Mỗi dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng của người dân luôn tăng cao. Vì lợi nhuận, các đối tượng lợi dụng mọi hình thức để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không hóa đơn, chứng từ, nhất là các mặt hàng thông dụng như: quần áo, vải, bánh kẹo, mỳ chính, rượu, thuốc tân dược, mỹ phẩm…

Bên cạnh đó, các đối tượng mua bán, kinh doanh còn lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) hoặc các cửa hàng, kiot, hộ kinh doanh, chợ truyền thống để trà trộn, bán công khai hàng thật với hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 như: lương thực, thực phẩm, thuốc lá ngoại, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, đường, sữa, vải, sản phẩm thời trang, thuốc tân dược, xăng dầu, điện tử, điện lạnh, khí đốt hoá lỏng, pháo nổ…

Đặc biệt chú trọng công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại trong thương mại điện tử.

Quá trình thực hiện, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh luôn theo dõi sát sao, chỉ đạo các phòng chức năng của Cục phối hợp, đôn đốc, hỗ trợ các Đội QLTT trong việc thực hiện công tác kiểm tra, xử lý cũng như việc phối hợp giữa các ngành, các cấp để đạt được hiệu quả cao.

B15 A2_Nam Dinh.jpg
Một khu chợ tại Nam Định

Đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương

Trong hơn 3 tháng thực hiện đợt cao điểm từ ngày 20/11/2023 đến ngày 29/02/2024, Cục QLTT tỉnh Nam Định đã tiến hành kiểm tra 84 lượt, xử lý 84 vụ; Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 1.224.638.000 đồng; Trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy là 684.349.000 đồng. Trong đó:

Hàng hóa tịch thu gồm: Quần áo các loại 3986 sản phẩm; vải may mặc các loại 1482,3kg; loa các loại 24 chiếc; âm ly 10 chiếc; giày, dép các loại 779 đôi; bút bi 20000 chiếc; máy phun sương mini 48 chiếc; giày dép 430 đôi;...

Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không thực hiện việc niêm yết giá hàng hoá tại cửa hàng, vi phạm về điều kiện kinh doanh…

Riêng về lĩnh vực thương mại điện tử, Cục QLTT tỉnh đã chủ động và phối hợp với Công an tỉnh (Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao PA05) tổ chức kiểm tra, xử lý 07 vụ, phạt tiền 78,52 triệu đồng, trị giá hàng tịch thu là 93,19 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu: kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, khí, phân bón, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh…

Ngoài ra, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” và công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2024 theo chỉ đạo của Tổng cục QLTT và UBND tỉnh Nam Định.

Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử góp phần ổn định thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cơ sở kinh doanh chân chính; và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Với chủ đề: “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Tháng hành động vì ATTP năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2024 tại Nam Định hướng đến mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP;

Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.