Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca mới của TP vẫn đang gia tăng. Cụ thể, ngày 21/11 có 1.547 ca, ngày 23/11 có 1.204 ca, ngày 24/11 có 1.066 ca, ngày 25/11 là hơn 1.500 ca mắc mới.
“Dù TP dùng nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng F0 vẫn có xu hướng tăng nhẹ, kéo theo số lượng người bệnh tử vong cũng tăng nhẹ. Theo thống kê, các trường hợp tử vong là người trên 65 tuổi và người chưa chích ngừa”, bà Mai đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM trong họp báo chiều 25/11. |
Ngoài ra, số F0 tử vong vừa qua có nhiều các bệnh nặng và rất nặng từ nhiều tỉnh chuyển về TP.HCM. Các trường hợp này đều có rất nhiều bệnh nền, suy đa cơ quan và chưa tiêm vắc xin (trong số này có nhiều người trên 65 tuổi).
Theo bà Huỳnh Mai, để đảm bảo chăm sóc F0 tại nhà hiệu quả, Bộ Y tế có văn bản cấp 120.000 viên Favipiravir cho TP.HCM (thay vì 100.000 liều Molnupiravir của túi thuốc C). Đây cũng là thuốc kháng virus, bổ trợ cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà.
"Các trạm y tế đã dùng xong thuốc C có thể đưa loại thuốc này vào phác đồ điều trị".
Bà Mai thông tin thêm, Hội đông y TP.HCM đã giới thiệu và tài trợ sản phẩm thực phẩm chức năng có tên Kovir cho người dân nâng cao sức khỏe và đề kháng. Hiện tại loại thực phẩm này đang được cấp phát tại phường 22 quận Bình Thạnh.
Đáng chú ý, sản phẩm Kovir này từng được Bộ Y tế đưa vào trong danh sách 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 (Công văn 5944/BYT-YDCT). Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Y tế đã thu hồi công văn trên vì chưa phù hợp.
Liên quan đến công tác chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế đã thành lập 10 tổ kiểm tra, chấn chỉnh các trường hợp đường dây nóng không liên hệ được hay bệnh viện từ chối bệnh nhân Covid-19.
Sở Y tế cũng đưa ra quy định, nếu sau 24 giờ F0 báo với y tế cơ sở mà không được thăm khám, cấp phát thuốc, sẽ quy trách nhiệm cụ thể. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, đây là chủ trương để “phấn đấu” giúp F0 tiếp cận sớm nhất, chăm sóc kịp thời.
“Thực tế có nhiều trường hợp do nhà bệnh nhân khó tìm, liên lạc không được. Do đó, mốc 24 giờ là quy trình để phấn đấu F0 được chăm sóc, tiếp cận y tế kịp thời. Trog quá trình giám sát, HCDC đã báo cáo những trường hợp không đảm bảo quy trình để Sở Y tế tháo gỡ, xử lý”, ông Tâm cho hay.
Trạm y tế lấy mẫu cho người dân tại TP.HCM |
Theo ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, TP đang có 57.000 F0 tại nhà. TP.HCM nỗ lực để F0 tiếp cận y tế đầy đủ, nhưng nhân lực y tế cơ sở khá mỏng. Có địa phương, 10 nhân viên y tế quản lý 170.000 dân.
Ông Hải cho biết, TP sẽ tăng cường nhân lực cho trạm y tế lưu động và trạm y tế cơ sở, có cơ chế giúp y tế cơ sở có thêm điều kiện hoạt động. Đồng thời, dự kiến điều động Bộ tư lệnh TP.HCM cử thêm quân y, dân quân phối hợp cùng ngành y tế, bổ sung cho các trạm y tế lưu động.
“Nếu có những đơn vị làm chưa tốt, người dân không chờ đợi được, hãy gọi cho những nơi khác như Cấp cứu 115, Trung tâm Y tế quận huyện, UBND phường…. để tiếp cận với y bác sĩ”, ông Hải khuyến cáo.
Thông tin thêm về hoạt động tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19 cho trẻ em, HCDC cho biết, đã có 324.717/670.692 trẻ được tiêm mũi 2. Trong số đó, 284 trường hợp hoãn tiêm, 2 trường hợp chống chỉ định vì tiền sử phản vệ.
TP.HCM hiện đang điều trị 14.342 bệnh nhân. Trong đó, 578 trẻ em dưới 16 tuổi, 357 bệnh nhân nặng đang thở máy, 10 bệnh nhân can thiệp ECMO.Trong ngày 24/11 có 1.582 bệnh nhân nhập viện, 1.148 bệnh nhân xuất viện, 59 trường hợp tử vong.
Linh Giao
TP.HCM khẩn cấp xin 100.000 liều Molnupiravir
Theo Sở Y tế TP.HCM, thuốc Molnupiravir trong kho chỉ đủ cấp phát trong 2 ngày tới. Vì vậy, đề xuất Bộ Y tế cung ứng thêm 100.000 liều phục vụ người bệnh.