- Sẽ không cấp phép tràn lan, một cuộc đua tranh ngầm để được mở casino đang diễn ra ở Việt Nam. Những ông trùm sòng bài dường như vẫn đang âm thầm chờ đợi tín hiệu xanh từ phía nhà quản lý.

Mới chỉ đánh tiếng, đặt chỗ

Nhiều dự án phức hợp giải trí có kinh doanh casino đình đám nhất đến nay vẫn chỉ là đánh tiếng ban đầu. 

Ngày 12/9/2013, Tập đoàn ISC Corporation (Australia) cùng với Tập đoàn Tuần Châu của chúa đảo Đào Hồng Tuyển đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư khu khu vui chơi giải trí có casino tại Vân Đồn (Quảng Ninh).

Theo thỏa thuận, trong vòng 3 tháng, ISC sẽ khảo sát, nghiên cứu xây dựng dự án. Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 7 tỷ USD. Đây là con số lớn nhất trong hàng chục dự án giải trí casino đang đề xuất ở Việt Nam.

Ông Trịnh Văn Hồng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh cho hay: “Số vốn trên là tính tổng cho tất cả các hạng mục khách sạn, giải trí phức hợp, không phải chỉ riêng hạng mục casino. Nhà đầu tư mới ngỏ lời, chỉ là ý tưởng. Đến nay, hồ sơ dự án vẫn chưa có”.

{keywords}
Casino luôn thu hút mối quan tâm của các nhà đầu tư

Một trường hợp ra mắt ấn tượng nổi trội khác là Las Vegas Sands (Mỹ), tập đoàn sòng bài lớn nhất thế giới. Cuối năm 2012, ông trùm Sheldon Adelson tuyên bố sẽ vào Việt Nam với 2 dự án phức hợp nghỉ dưỡng casino, đặt tại Tp HCM và Hà Nội. Tiền bạc không phải là vấn đề và tổng vốn đầu tư ít nhất cho cả 2 khu là 6 tỷ USD.

Thế nhưng, 1 năm sau im ắng, tháng 11/2013, tỷ phú sòng bài Mỹ quay trở lại Việt Nam gặp Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh, vẫn là với câu chuyện về  dự án trên.

Nhiều dự án casino hoành tráng khác đã được cấp phép nhưng trong quá trình triển khai, cũng phát sinh rắc rối nội bộ mà lý do thường được giấu kín.

Chẳng hạn như dự án khu nghỉ dưỡng có casino ở Nam Hội An (Quảng Nam). Đây là dự án đã được cấp phép từ năm 2010 cho liên doanh Genting- VinaCapital với số vốn 4 tỷ USD.

Sau 2 năm,  đại gia Genting rút chân khỏi dự án này, khiến cho người còn lại là VinaCapital  lao đao mất hơn 1 năm để giữ giấy phép. Mãi cuối năm qua, VinaCapital mới tìm được đối tác mới là Tập đoàn Peninsula Pacific, Mỹ để tiếp tục góp sức ở Nam Hội An, thoát khỏi nguy cơ bị rút phép. Genting cũng là nhà đầu tư đầu tiên đặt vấn đề mở casino ở Vân Đồn và sau đó, một đi không trở lại.

Khả dĩ nhất là casino ở khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Tràm (Bà Rịa- Vũng Tàu) của Asian Coast Development Limited (Canada). Sòng bạc này vừa mới mở cửa hồi tháng 7 năm ngoái.

Tuy nhiên,  có thông tin cho rằng, vốn chủ đầu tư bỏ ra mới chỉ là vài trăm triệu, trên tổng số vốn 4,2 tỷ USD. Ngay trước ngày mở cửa, MGM – nhà điều hành casino chuyên nghiệp bỗng rút khỏi dự án này.

Khá nhiều dự án casino khác cũng vẫn đang dở dang, ngưng trệ. Chẳng hạn như dự án New City ở Phú Yên đầu tư 4,3 tỷ USD của Tập đoàn New City (Brunei), dự án Sài Gòn Atlantis Hotel 4,1 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại Quảng Nam, dự án Bãi Biển Rồng 4 tỷ USD đã bị thu hồi do không chủ đầu tư yếu kém về tài chính.

Casino ở “Đặc khu kinh tế” Phú Quốc (Kiên Giang) vốn là dự án casino đầu tiên được Bộ Chính trị chấp thuận. Đã từng có hơn 10 nhà đầu tư đến đây đặt vấn đề tìm hiểu, nhưng đến giờ, dự án vẫn chưa có chủ.

Cuộc đua ngầm?

Những điều kể trên có thể chỉ là vẻ bên ngoài của ngành kinh doanh nhạy cảm, đặc biệt này. Sự chậm chạp trong triển khai, hay ngập ngừng dền dứ của các ông trùm sòng bài lớn, cứ đến rồi đi… có thể chỉ là một cách thức trong chiến lược kinh doanh của các tỷ phú thế giới.

Như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ, đã có ít nhất 10 tỉnh thành xin mở casino. Hầu hết các chuyên gia đầu tư trong và ngoài nước đều khuyến cáo, Việt Nam chỉ nên mở 2-3 casino lớn trên cả nước, mỗi miền Bắc, Trung, Nam có 1 casino là đủ.

{keywords}
Người Việt sang Campuchia chơi bài (ảnh: theo thanhnien)

Nếu so với số lượng các sòng bài hiện nay đã hoạt động hoặc mới được cấp phép thì con số “quy hoạch” trên chỉ bằng một nửa. Còn nếu so với các đề xuất của 10 tỉnh thành thì có lẽ, Bộ KHĐT sẽ phải gạt đi ít nhất 7 đơn vị ra khỏi giấc mộng cờ bạc này.

Vấn đề còn lại là, tiêu chí nào để là người được chọn và được cấp phép mở casino? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong khi đó, các cơ quan trung ương đều muốn đưa kinh doanh sòng bài là tâm điểm của một đặc khu kinh tế lớn. Bộ Chính trị mới chỉ chấp thuận cho phép mở 2 đặc khu kinh tế có casino ở Vân Đồn và Phú Quốc (Kiên Giang). Trong đó, casino Vân Đồn sẽ được phép thí điểm cho người Việt Nam vào chơi.

Theo các chuyên gia nước ngoài, các nhà đầu tư thực ra chưa phải là nản lòng mà chỉ là đang nghe ngóng, chờ đợi hành lang pháp lý của Việt Nam. Đặc biệt là Nghị định chính thức kinh doanh casino.

Bà Virginia Foodte, Chủ tịch Hội đồng thương mại Việt- Mỹ góp ý, Việt Nam cần phải làm rõ trong giấy phép đối với casino, nhà đầu tư được quyền làm gì, người dân địa phương được quyền chơi không, ranh giới rõ ràng là gì?. Đây là lĩnh vực cần được quản lý chặt chẽ để người chơi, doanh nghiệp hoạt động được. Việt Nam không nên đề ra khung khổ pháp lý riêng biệt mà nên áp dụng theo pháp lý đã thông dụng, lưu hành trên thế giới, chỉ cần điều chỉnh lại cho phù hợp với Việt Nam”.

Dù hành lang pháp lý chưa rõ ràng thì các ông chủ sòng bài thế giới vẫn cứ đang tấp nập tới Việt Nam nghe ngóng. Tính riêng đối với Vân Đồn, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tới 6 tập đoàn quốc tế là Gengting Berhard (Malaysia), rồi kế Las Vegas Sands (Mỹ), Phoenix Macau Tailoi (Macao, Trung Quốc), Quỹ đầu tư Westar (Australia) và gần đây nhất, tháng 11/2013 là công ty Casinos của Áo. Tại Phú Quốc, Kiên Giang, cũng đã có ít nhất 10 nhà đầu tư đến tìm hiểu. Tất cả đều đang chờ đợi.

Phạm Huyền