Vào tháng 11/2018, cháu trai 10 tuổi lấy trộm thẻ ngân hàng của bà để nạp tiền vào trò chơi và đã tiêu hết hơn 5000 NDT (khoảng 17 triệu đồng) chỉ trong hai ngày, theo Shixunwan.
“Khoản tiền này vốn dĩ được chuẩn bị để vợ tôi tiến hành làm hóa trị ung thư phổi. Chỉ đến khi chúng tôi trả viện phí thì mới phát hiện số tiền trong tài khoản đã biến mất. Về nhà hỏi mới biết cháu tôi đã dùng khoản tiền đó để chơi trò chơi. Lúc đó tôi lặng người đi”, ông nội của cậu bé chia sẻ với phóng viên.
Ông cho biết vì con trai quanh năm suốt tháng làm thuê ở của biển nên ông và bà phải chăm sóc cháu hiện đang học lớp 4.
“Kết quả học tập của thằng bé khá tốt nhưng lại rất nghịch. Cháu nó thường thích chơi những trò chơi điện tử trên máy của bà ngoại. Trước đó, mẹ của thằng bé có nhắc chúng tôi rằng Tiểu Hâm đã học được cách mua đồ trên mạng nên ông bà cần quản lí sát sao. Nhưng tôi và vợ không quá am hiểu về các phần mềm trên điện thoại di động nên chúng tôi cũng không để ý”, ông nói.
Căn nhà nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Shixunwan |
Ông chia sẻ với phóng viên rằng vợ ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi vào tháng 8/2016 và có một khoảng thời gian cần phải đến bệnh viện để làm hóa trị. Vào giữa tháng 11 năm ngoái, ông đưa vợ đến bệnh viện ở Hải Khẩu để làm hóa trị. Ông đã chuẩn bị sẵn thẻ tín dụng để trả tiền viện phí nhưng phát hiện trong thẻ chỉ còn vài đồng.
“Lúc đó, chúng tôi đã cầm một chiếc thẻ tín dụng có hạn mức là 3400 NDT và một thẻ bảo hiểm xã hội 2000 NDT. Tuy nhiên khi quẹt thẻ thì cả hai thẻ đều không đủ và không thể thanh toán viện phí. Trong lúc tuyệt vọng, tôi đành phải dùng thẻ ngân hàng của tôi để trả tiền”, ông nói.
Sau khi bình tĩnh và nhớ lại, trước khi ông đến bệnh viện, Tiểu Hâm nói muốn chơi trò chơi và nhất quyết không đưa điện thoại cho ông bà. Nhưng lúc đó hai người chỉ cho rằng cháu trai nghịch ngợm và không để ý đến vấn đề này.
Sau vụ việc, người ông gọi điện thoại cho con trai để nói sự việc một cách tường tận. “Không lâu sau, con trai chúng tôi trở về nhà và mắng Tiểu Hâm một trận. Tiểu Hâm lúc đó mới nói cho chúng tôi biết nó đã dùng tên và số điện thoại của bà để đăng kí một trò chơi với tên gọi 'Năm nhân cách'. Sau đó, cậu bé đã tải xuống và nạp tiền cho trò chơi bằng cách dùng thẻ ngân hàng. Trong hai ngày cùng vợ đến viện để làm hóa trị, Tiểu Hâm đã tiêu hết hơn 5000 NDT để nạp tiền cho trò chơi”, ông nói thêm.
Từ những giấy tờ ghi chép các khoản chi tiêu của thẻ ngân hàng được người ông cung cấp, phóng viên đã phát hiện vào tháng 11 năm ngoái, Tiểu Hâm đã nạp tiền chơi trò chơi nhưng chỉ với một chi phí nhỏ. Khoản tiền đầu tiên là vào ngày 25/8 năm 2018 với mức chi phí 30 NDT (khoảng 100 nghìn đồng). Khoản tiền dùng để làm hóa trị cho bà cao nhất là 4.952 NDT vào ngày 17/11 năm 2018. Chỉ trong 2 ngày, thông qua thẻ ngân hàng, tài khoản trong trò chơi đã được nạp 5.038 NDT.
Được biết sau khi vợ mắc bệnh, để tiện cho việc thanh toán viện phí, ông đã tạo một thẻ tín dụng và để cùng với thẻ chứng minh thư và một thẻ tiết kiệm khác trong chiếc ngăn kéo không có khóa. Nhưng do sức khỏe của vợ mấy năm gần đây không được tốt nên ông không để ý đến những hành động bất thường của Tiểu Hâm. Nhìn thấy cháu chơi điện thoại, ông bà chỉ la mắng vài câu chứ không ngờ rằng cháu đã bí mật nạp tiền từ thẻ ngân hàng vào trò chơi.
Với sự giúp đỡ của con trai, người ông đã đến phòng kinh doanh để in danh sách nạp tiền trên điện thoại di động và liên hệ với dịch vụ chăm sóc khách hàng của hãng trò chơi với hy vọng được hoàn tiền.
“Tôi nghĩ rằng tôi có thể được hoàn lại tiền vì trẻ vị thành niên không thể tự ý tiêu tiền nếu không có sự cho phép của người giám hộ. Trước đây cũng từng có rất nhiều trường hợp như vậy nhưng phòng dịch vụ khách hàng cho rằng, không thể xác nhận liệu đó có phải là trẻ vị thành niên. Kể từ cuối năm ngoái, chúng tôi không nhận được tiền hoàn lại hoặc nhận được các phương án giải quyết khác”, ông nói.
Yến Nhi