Theo bác sĩ Nguyễn Hiền, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bốn ngày trước nhập viện, cậu bé 10 tuổi liên tục nôn ói ra thức ăn, có dịch màu xanh vàng, kèm theo đau bụng từng cơn và nhiều ngày chưa đi tiêu.

Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận trẻ tỉnh, sinh hiệu ổn, phần bụng mềm, ấn đau khắp bụng. Kết quả chụp X-quang phát hiện có hai khối dị vật. Cụ thể, quai ruột chứa nhiều khối nam châm, thành ruột viêm sượng, thủng nhiều, bờ nham nhở.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, lấy ra 20 viên nam châm ở dạ dày và ruột non của cậu bé. Đồng thời, ê-kíp cũng cắt bỏ 15cm ruột non do viêm thủng nhiều lỗ, sau đó làm hậu môn tạm cho trẻ.

20 viên nam châm được lấy ra từ dạ dày và ruột của bé trai. Ảnh: BVCC.

Người nhà cho biết cậu bé có tiền sử bị bệnh tâm lý, ít nói, sinh hoạt bình thường nên không rõ thời điểm nuốt dị vật. Các viên nam châm có hình thù thon dài, hình trái tim và hình ngôi sao, có thể đã khiến trẻ lầm tưởng thành các viên kẹo.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận một bé gái 4 tuổi nuốt phải viên bi xếp hình nam châm. Những viên bi này đã hít hai mép ruột lại với nhau dẫn đến thủng ruột. Đây là dạng tai nạn không hiếm gặp tại các bệnh viện nhi ở TP.HCM.

Các bác sĩ khuyến cáo do trẻ nhỏ có tính hiếu động, tò mò, phụ huynh cần đặc biệt chú ý không để các bé chơi đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, các vật dễ cho vào miệng như pin, đồng xu, viên bi...