Ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM - CII) cho biết, sau khi tiếp nhận hạng mục thi công cầu bộ hành thì vướng trụ metro số 1 nên phải dịch chuyển hơn 4m.
Hồ sơ chuyển dịch này đã được tổ chức thẩm định phê duyệt. Nhưng khi chuẩn bị triển khai, cắm cọc định vị thi công công trường thì bị phản đối của một số hộ dân.
Sau đó, CII tiếp tục đề nghị dịch chuyển thêm hơn 9m nữa. Và bắt đầu tư đây xảy ra những sai sót dẫn đến vụ tai nạn giao thông hôm 13/11 vừa qua.
Chủ đầu tư cho biết do muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạng mục cầu đi bộ nên đơn vị đã thi công trước mà chưa có hồ sơ thiết kế |
Theo ông Nam, sau khi dịch chuyển vị trí xây dựng cầu, đơn vị có xin ý kiến và đã được Sở GTVT chấp thuận chủ trưởng, quận Thủ Đức cũng đồng ý.
“Thiếu sót của chúng tôi trong vấn đề hoàn chỉnh lại hồ sơ và gửi lại cho cơ quan chuyên môn thẩm định. Hạng mục này, chủ đầu tư muốn đẩy nhanh tiến độ nên mới dẫn đến thiếu xót và chúng tôi cũng đã nhận lỗi rồi" - ông Nam lý giải.
Ông cũng cho biết thêm, về nguyên tắc trước khi triển khai một công trình phải có hồ sơ thiết kế và bản vẽ thi công được duyệt. Quá trình thực hiện phải khảo sát đánh giá, đối chiếu bản vẽ thiết kế và thực tế hiện trường nhưng do thiếu kiểm tra, không tính toán lại cao độ dẫn đến những sai sót trên.
Tuy nhiên, theo ông Nam quá trình thi công cầu đơn vị có bản vẽ ban đầu và được duyệt rồi. Còn về hồ sơ thiết kế điều chỉnh thì đơn vị chưa trình kịp. Sắp tới, tư vấn thiết kế sẽ lập xong và công bố.
Xe container cao 4,42m có quá khổ?
Theo Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm, quá trình chủ đầu tư dịch lên trên dốc để làm cầu nhưng phía các đơn vị liên quan thiếu tính toán, kiểm tra cao độ giữa mặt đường và đáy dầm nên xảy ra việc tĩnh không không đạt 4,75m. Trong đó chỉ số tĩnh không không đạt thực tế thiếu từ 0,16-0,33m.
Theo Sở GTVT chiếc xe va chạm với dầm cầu vượt có chiều cao khoảng 4,42m |
Ông Lâm cho biết, qua kiểm tra trên hệ thống đăng kiểm cho thấy chiều cao sàn rơ-mooc xe đầu kéo 1,53m, thùng container là loại 45 feet. Theo tiêu chuẩn quốc tế, thùng container này có chiều cao 2,89m. Như vậy, chiếc xe va chạm với dầm cầu vượt có chiều cao khoảng 4,42m.
Vậy xe container có quá khổ? Vấn đề này, ông Lâm cho rằng thông thường xe container chở thùng 20 feet có chiều cao 4,2m trở xuống. Còn đối với xe trên 4,35m được gọi là quá khổ.
"Những chiếc xe trên 4,35m theo Thông tư 46 của Bộ GTVT phải được cấp phép lưu hành xe quá khổ", ông Lâm nói.
Từ đó, ông Lâm đánh giá nguyên nhân tai nạn có thể do kết hợp hai yếu tố, dầm cầu vượt thấp hơn thiết kế cộng với xe container cao hơn quy chuẩn bình thường lưu thông qua bị dằn xóc dẫn đến va chạm. Tuy nhiên, nguyên nhân chính thức đang chờ cơ quan điều tra công bố.
Về hướng khắc phục, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, dầm cầu rơi xuống hiện nay phải bỏ vì hư hỏng. Còn đối với trụ, mố cầu phải tổ chức giám định lại. Ngoài ra, cũng phải đo đạc lại và đề xuất giải pháp điều chỉnh thiết kế.
Sai khó tin, cầu bộ hành bị xe container kéo sập không có hồ sơ thiết kế
Cầu bộ hành bị xe container kéo sập ở TP.HCM có tĩnh không thiếu từ 0,16-0,33m, sai sót này là do quá trình thi công dự án nhưng không có hồ sơ thiết kế.
Tuấn Kiệt