Trong vụ án AIC, bị cáo, Lê Thị Hương (nguyên Phó ban Kế toán Công ty AIC) với nhiệm vụ của kế toán Công ty AIC đã thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm. Bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án 36 tháng tù vì tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, bà Hương kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo trình bày việc đã tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, có con trai được Sở GD&ĐT Hà Nội tặng giấy khen; UBND TP Hà Nội tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập; gia đình bị cáo có công với cách mạng…, mong HĐXX xem xét giảm hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS ghi nhận việc bà Hương dù không bị tuyên buộc phải bồi thường trách nhiệm dân sự nhưng bị cáo đã tác động gia đình nộp thêm 100 triệu đồng khắc phục hậu quả, được địa phương xác nhận về những đóng góp của gia đình bị cáo trong hoạt động thiện nguyện.
Ngoài ra, khi cân nhắc các yếu tố đề nghị giảm nhẹ hình phạt, đại diện VKS có nhắc đến việc bị cáo có con trai 14 tuổi đạt thành tích cao tại các cuộc thi toán quốc tế, việc có mặt của bị cáo ở nhà để động viên con là cần thiết...
Do đó đại diện VKS cho rằng, có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo Lê Thị Hương và đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hương, sửa án sơ thẩm, áp dụng Điều 65 BLHS, giữ nguyên mức hình phạt như án sơ thẩm đã tuyên, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách.
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bào chữa cho bà Hương đồng tình với quan điểm đề nghị của đại diện VKS. Luật sư cũng nhắc đến việc bị cáo Hương có con trai được UBND TP Hà Nội tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập; bị cáo cũng có nhiều thành tích trong thời gian làm việc tại Công ty AIC nhưng chưa được cấp sơ thẩm áp dụng. Do đó, đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo, đề nghị giảm hình phạt và được hưởng án treo.
Tính nhân văn, sự khoan hồng của pháp luật
Sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định giảm án cho cựu Phó ban Kế toán AIC. Theo đó, bà Hương được tuyên giảm án từ 36 tháng tù, thành 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. HĐXX cho hay, có "tình tiết mới ghi nhận cho bị cáo" là con trai 14 tuổi đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán quốc tế.
Đối với bị cáo Hương, HĐXX cho rằng vì chính sách nhân đạo, có cơ sở áp dụng điều 65 BLHS đối với bị cáo, giữ nguyên các hình phạt như án sơ thẩm và cho bị cáo hưởng án treo cũng đủ răn đe và thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
HĐXX cũng nhắc đến việc để bị cáo được có điều kiện chăm sóc, kèm cặp con trai có thành tích cao trong học tập để cháu trở thành nhân tài cho đất nước như quan điểm đề nghị của đại diện VKS.
Theo luật sư Giang Hồng Thanh, đề nghị của đại diện VKS cấp cao được Hội HĐXX chấp nhận vì đối chiếu với quy định tại Điều 65 BLHS và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 thì bà Hương có đủ điều kiện được hưởng án treo.
Bên cạnh đó, con trai lớn của bị cáo Hương sinh năm 2009 có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc, được tặng thưởng nhiều giấy khen của Sở GD&ĐT và bằng khen của UBND TP Hà Nội, nên HĐXX xét thấy việc cho bị cáo Hương được hưởng án treo cũng là việc làm nhân văn, tạo điều kiện để bị cáo có thời gian động viên, chăm sóc một nhân tài của đất nước, giúp cháu bé đạt được thành tích cao, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường phân tích, các văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao và Văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đều ghi nhận "trao quyền" cho HĐXX xác định có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà luật chưa quy định, nhưng phải ghi rõ vào nội dung bản án.
Bởi vậy, căn cứ vào quy định tại khoản 2, điều 51 BLHS, trường hợp tòa án coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự vẫn phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng phải ghi rõ trong bản án phúc thẩm.