Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2020, Hà Nội sẽ xây dựng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng, trong đó cầu Long Biên sẽ được nâng cấp cải tạo thành cầu cho đường đi bộ riêng.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg, giai đoạn đến năm 2020, Hà Nội sẽ xây dựng tổng cộng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng, trong đó có 6 câu đã xây dựng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân và Vĩnh Thịnh.
Cụ thể, Hà Nội sẽ cải tạo nâng cấp cầu Long Biên thành cầu cho đường bộ đi riêng; xây dựng mới các cầu, hầm gồm: Cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Thăng Long mới (Vành đai 3), cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuỵên trên đường cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, cầu Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh), cầu Việt Trì - Ba Vì kết nối Quổc lộ 32 với Quốc lộ 32C thuộc địa phận Thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.
Ngoài ra, sẽ xây dựng 8 cầu qua sông Đuống, trong đó có 4 cầu hiện đang sử dụng (cầu Đuống dùng chung cho đường sắt và đường bộ, cầu Phù Đổng 1 và cầu Phù Đổng 2 trên đường Vành đai 3, cầu Đông Trù thuộc dự án đường 5 kéo dài); 4 cầu xây dựng mới gồm: cầu Đuống mới (cầu đường bộ), cầu Giang Biên trên tuyến đường kéo dài từ quận Long Biên sang Ninh Hiệp, cầu Mai Lâm (trên tuyến đường kéo dài từ quận Long Biên đến trục trung tâm cổ Loa), cầu Ngọc Thụy (trên tuyển đường dọc đê tả sông Hồng).
Theo báo Đầu tư