Thời gian qua, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa đã và đang có những bước khởi sắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Đặc biệt, thương mại điện tử đã trở thành cầu nối giúp phát triển thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 27/8/2021, về việc: “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Mục đích kế hoạch này là nhằm hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh và đưa sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác lên các sàn thương mại điện tử: postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và voso.vn của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel và các sàn giao dịch thương mại điện tử hợp pháp khác nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thì trường trong nước và quốc tế. Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn…

Để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi qua thương mại điện tử, cần sự vào cuộc của rất nhiều bên để hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử; trong đó, có việc các đơn vị, các sàn thương mại điện tử hỗ trợ bà con, huấn luyện cách mở gian hàng, cách livestream sản phẩm, cách viết nội dung về sản phẩm.

Về lâu dài, hoạt động đào tạo và phát triển thương mại điện tử cần phải có lộ trình phù hợp để trợ giúp bà con học tập, nâng cao trình độ. Đồng thời, phổ cập các hoạt động về truy xuất nguồn gốc cho bà con nông dân, để tất cả sản phẩm từ trung bình đến những sản phẩm giá rẻ cũng đều có khả năng ứng dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại.

taphuan.png
Quang cảnh một buổi tập huấn, hướng dẫn hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn thương mại điện tử.

Thực hiện Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 27/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn thương mại điện tử.

Bởi vậy, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa chú trọng tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại lớp tập huấn vừa mới đây đã thu hút tham gia của cán bộ liên minh hợp tác xã tỉnh và gần 60 đại biểu đại diện cho 24 hợp tác xã tiêu biểu thuộc 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân. Các đại biểu được các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, một số đơn vị kỹ thuật truyền thông giới thiệu về các chuyên đề như: Nâng cao ứng dụng, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Tỉnh Thanh Hoá tin tưởng, thông qua khóa tập huấn sẽ giúp cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cái nhìn rõ hơn về thương mại điện tử và ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh; hiểu và sử dụng chợ sản phẩm trực tuyến dành cho các sản phẩm để từ đó có thể liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thanh Hóa có thêm cơ hội, sự hỗ trợ để phát triển bền vững và tiếp cận với chuyển đổi số, thương mại điện tử cũng như nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế cho các sản phẩm để phát triển bền vững trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng.

Thanh Hóa đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2021-2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của các địa phương khu vực miền núi, ven biển của tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 20%/năm; xây dựng được 11 mô hình điểm bán hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có chất lượng cao tại 11 huyện miền núi; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa  trong tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong nước và xuất khẩu.

Đức Yên và nhóm PV, BTV