Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số với hơn 5.551 hộ/20.415 nhân khẩu, nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer (khoảng 2.392 hộ/9.229 nhân khẩu, chiếm 0,77% dân số), sinh sống chủ yếu tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và thị xã Hoà Thành.
Những năm qua, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của đồng bào Khmer được các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Qua thống kê, toàn tỉnh Tây Ninh có 7 nhà văn hoá dân tộc Khmer, 3 nhà lễ Sala và 6 chùa Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer. Bà con duy trì các buổi sinh hoạt văn hoá văn nghệ, dạy học, đàn ngũ âm, múa trống Chhay-dăm và tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc.
Theo đại diện UBND huyện Tân Biên, huyện có 3 xã biên giới với đường biên dài 92,5km (trong đó có 37,2km đường sông, suối), giáp với 4 huyện thuộc 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia, là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được đẩy mạnh. 100% nhà văn hoá các xã đạt chuẩn; tỷ lệ gia đình văn hoá duy trì trên 80%. Huyện có 13 câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ truyền thống.
Những tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã biên giới từng bước xoá bỏ. Các trường học được xây kiên cố, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao. Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã được xây dựng để nhân dân có nơi hội họp và tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, mang lại diện mạo, sắc thái mới cho khu vực biên giới của huyện.
Các thiết chế văn hoá được đầu tư, xây dựng đã tạo sự thay đổi đời sống văn hoá cơ sở. Các di sản được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn góp phần làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào. Qua đó, tạo điều kiện cho bà con giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa, tiếp tục cùng chính quyền xây dựng kinh tế - xã hội ngày càng ổn định, phát triển.
Khánh Vy