Chiều 4/8, UBND TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và phương hướng, nhiệm vụ tháng 8/2022. 

Tại buổi họp, báo chí đặt câu hỏi về việc khắc phục cầu Thủ Thiêm 2 bị vẽ bậy như thế nào? Làm sao để hạn chế việc vẽ bậy lên các công trình công cộng…?

Trao đổi vấn đề này, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, việc bôi bẩn hay vẽ bậy không chỉ trên cầu Thủ Thiêm 2 mà hầu như toàn thành phố đều bị tình trạng này. Để khắc phục việc bôi bẩn trên cầu Thủ Thiêm 2, các đơn vị đã phải thử nghiệm đến 14 loại dung môi mới xử lý được các hình ảnh vẽ bẩn trên thành cầu. 

Hình ảnh bôi bẩn trên cầu Thủ Thiêm 2

Theo ông, cũng có loại sơn chống dính, nếu sử dụng thì chỉ cần dùng nước lau là các hình ảnh vẽ bậy trôi hết. Nhưng đây là loại sơn có giá cả đắt đỏ, nếu sử dụng để khắc phục việc này cho cầu Thủ Thiêm 2 khá tốn kém. Trước mắt, để hạn chế tình trạng vẽ bậy, ông An cho biết sẽ lắp đặt các camera tại các công trình công cộng trọng điểm để giám sát. 

“Chúng tôi đề nghị các cơ quan truyền thông tuyên truyền mạnh để các “họa sĩ đường phố” đừng vẽ bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng của thành phố", ông An đề nghị. 

Cùng vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, công an các địa phương tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý để hạn chế việc vẽ bậy. 

Theo ông, "họa sĩ đường phố" cũng có người làm đẹp cho thành phố khi trang trí nhiều hình ảnh đẹp trên nắp cống, cột điện… Nhưng ngược lại, cũng có người vẽ bẩn lên các công trình công cộng, tường nhà dân, cơ quan… gây bức xúc cho nhiều người. 

Qua đó, ông Hà cũng mong báo chí lan tỏa hình ảnh đẹp, phê bình mạnh mẽ những đối tượng bôi bẩn thành phố. 

Hai đoàn tàu metro bị bôi bẩn

Trước đó, hai đoàn tàu của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang đặt tại Depot Long Bình (TP Thủ Đức) cũng bị bôi bẩn với hình thù kỳ lạ, khiến việc xử lý rất vất vả.