Việc cầu thủ mặc áo không in tên khi thi đấu thực tế là vấn đề không mới và cũng không phải chuyện hiếm gặp với các đội tuyển Việt Nam. Do điều lệ của vòng loại World Cup 2002 không quy định các đội tuyển tham dự giải đấu phải bắt buộc in tên cầu thủ lên áo đấu. Tuyển Việt Nam không in tên nhằm đảm bảo tính riêng tư, hạn chế tiết lộ bí mật đấu pháp và cách bố trí nhân sự khi thi đấu.
Cầu thủ Thái Lan mặc áo có in đủ tên và số, còn tuyển Việt Nam thì thiếu phần in tên phía sau lưng áo. Ảnh: Tiến Tuấn
Chính vì không in tên cầu thủ, nên ở những giải đấu tiếp theo, HLV Park Hang-seo có thể đảo số áo giữa các thành viên trong đội. Đây cũng là một trong những cách để hạn chế đối thủ thăm dò thông tin về nhân sự của đội tuyển Việt Nam. Đây là cách để lý giải một giải đấu lớn như vòng loại World Cup lại không có sự đồng nhất về trang phục thi đấu giữa các đội tuyển. Nghe vô lý nhưng lý do đằng sau lại khá thuyết phục đấy nhé.
Tại vòng loại U23 châu Á diễn ra tại Hà Nội vào thág 3/2019, tuyển U23 Việt Nam cũng đã thi đấu với chiếc áo chỉ in số và không có tên cầu thủ trong khi các đội tuyển khác vẫn mặc đồ bình thường với tên in sau lưng. Ở các trận giao hữu hay các buổi tập, HLV Park Hang Seo cũng từng sắp xếp cho các học trò đổi số áo cho nhau nhằm tránh sự quan sát, thu thập thông tin.
Công Phượng, Văn Toàn mặc những chiếc áo không tên. Ảnh: Phạm Huyền
Tuyển Việt Nam vừa giành một điểm quý giá khi đến làm khách đến sân của tuyển Thái Lan. Với lợi thế sân nhà, sự bổ sung những ngôi sao đang thi đấu tại nước ngoài cùng triết lý bóng đá mới từ HLV Akira Nishino, "Voi chiến" đã kiểm soát bóng nhiều hơn Việt Nam. Tuy nhiên sự tập trung và nỗ lực của các cầu thủ Việt Nam đã giúp thầy trò HLV Park Hang-seo cầm hoà Thái Lan với tỉ số 0-0.
Sau trận đấu này, Thái Lan và Việt Nam đang cùng có 1 điểm tại bảng G. Cả 2 đều đứng sau Malaysia, đội tuyển vừa tạo ra màn lội ngược dòng đẳng cấp trên sân nhà của Indonesia. UAE tạm thời chưa có điểm vì chưa thi đấu.