Lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chia sẻ về tác dụng của cây chay:
Cây chay mọc tự nhiên hoặc được trồng để lấy quả ăn. Lá, quả và rễ còn dùng làm thuốc, phơi khô, trữ dùng dần. Loại cây này thường xuất hiện ở vùng núi trung du. Mùa chay vào tháng 4 cho đến tháng 8. Đặc biệt, nếu chay cho quả vào mùa đông còn gọi là chay chiêm được coi là một thứ quà trời cho.
Theo Đông y, quả chay có vị chua, tính bình, tác dụng thu liễm, cầm máu, thanh nhiệt, khai vị, giúp tiêu hóa. Chủ trị các triệu chứng phổi nóng, ho ra máu, viêm họng, dạ dày thiếu toan.
Quả chay chín dùng ăn sống, nấu canh chua, phơi khô dùng dần quanh năm. Người dân dùng quả chay để chữa kén ăn, ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước uống, kho cá. Trong quả chay chứa nhiều vitamin C tự nhiên và các axit amin…
Một số nghiên cứu cho thấy trong thành phần của quả chay chín có chất benzaldehyde, có thể ngăn chặn sự phát triển của một số loại bệnh ác tính như ung thư hạch, ung thư vú. Quả chay cũng chứa nhiều hợp chất quan trọng hỗ trợ tiêu hóa, kích thích ăn uống và nhuận tràng.
Lá chay có vị chát, tác dụng ích can thận, thông kinh hoạt lạc, làm chắc răng.
Đặc biệt, những năm gần đây, các nhà khoa học Việt Nam cũng như quốc tế đã tiến hành nhiều khảo cứu về tác dụng của lá chay. Giới nghiên cứu kỳ vọng có thể ứng dụng vị thuốc này trong điều trị các bệnh cường miễn dịch. Đây là dược liệu đầu tiên trên thế giới được đánh giá có tác dụng ức chế miễn dịch chọn lọc rất mạnh (chỉ ức chế miễn dịch gây bệnh mà không ảnh hưởng đến các miễn dịch có lợi cho cơ thể), hơn nữa không hề có độc tính.
Đề tài trọng điểm cấp quốc gia được thiết lập tại Viện Hóa học (thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho thấy trong dịch chiết lá chay có hàm lượng lớn flavonoid hoạt tính sinh học mạnh. Các tác giả tách chiết và phân lập 4 hoạt chất được cho là thành phần chính có tác dụng ức chế miễn dịch gồm measopsin, alphitonin, kaempferol và artokin.
Các hoạt chất này thuộc nhóm auronol glycoside - nhóm chất hiếm thấy trong tự nhiên và có hoạt tính sinh học rất mạnh. Cả 4 chất đều có tác dụng chống viêm ở mức độ khác nhau, trong đó artokin có hoạt chất ức chế miễn dịch và chống viêm mạnh nhất.
Các hoạt chất từ lá chay sau đó đã được thử nghiệm so sánh tác dụng ức chế miễn dịch với chất Cyclosponin A, một thuốc tân dược tốt bậc nhất hiện nay trong điều trị bệnh tự miễn. Kết quả cho thấy hoạt lực của dịch chiết lá chay mạnh tương đương so với Cyclosponin A ở liều từ 15-25mg/ml.
Vì vậy, có thể ứng dụng dược liệu này điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, nhược cơ, vẩy nến…
Ngoài ra, rễ chay có vị chát, có tác dụng ích can thận, thông kinh hoạt lạc, làm chắc răng. Người bệnh có thể sử dụng với liều lượng khoảng16g/ngày.