Phát triển cây dược liệu hợp thổ nhưỡng giúp người dân thoát nghèo
Tây Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam với hơn 90% là người dân tộc thiểu số, đời sống trước đây gặp vô vàn khó khăn. Để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có trồng cây dược liệu theo hướng hữu cơ.
Trong đó, phát triển mô hình trồng cây dược liệu với 2 loại cây chủ lực là đẳng sâm và ba kích luôn được huyện chú trọng đầu tư. Theo đánh giá, đây là 2 loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, mở cơ hội giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ổn định thu nhập, vươn lên làm giàu.
Để cụ thể hóa những kế hoạch đề ra, huyện triển khai “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm. Riêng ở xã Ch’Ơm có 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó thôn Achoong chiếm gần một nửa.
Alăng Lơ, Trưởng thôn Achoong (xã biên giới Ch’Ơm, huyện Tây Giang, Quảng Nam) chính là người gieo niềm tin cho cộng đồng Cơ Tu bằng mô hình phát triển kinh tế đẳng sâm tại thôn Achoong (xã biên giới Ch’Ơm, huyện Tây Giang, Quảng Nam). Anh Alăng Lơi cho biết, trước đây, gia đình anh từng trồng hơn 1ha đẳng sâm nhưng đến mùa thu hoạch vẫn chưa bán được vì giá quá thấp. Từ khi huyện Tây Giang triển khai "Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm", không chỉ có nhà anh Lơi mà nhiều hộ trồng sâm ở xã Ch'Ơm đã được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển mô hình trồng đảng sâm, hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ xã Ch’Ơm đã tích cực hỗ trợ bao tiêu sản phẩm giúp hàng trăm hộ gia đình ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán, từ đó ổn định thu nhập bình quân 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Từ việc phát triển trồng các loại dược liệu, huyện Tây Giang đã hình thành gần 10 mô hình hợp tác xã và 50 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ.
Không chỉ sản xuất thô, những năm gần đây, từ một số sản phẩm tươi, giá trị kinh tế thấp, mục đích sử dụng không nhiều, thị trường tiêu thụ bấp bênh, các hợp tác dược liệu ở Tây Giang đã đưa củ đẳng sâm, ba kích, táo mèo thành nhiều loại thực phẩm, thuốc được sử dụng rộng rãi.
Sau những nỗ lực của cộng đồng, đẳng sâm bây giờ đã trở thành "của để dành" giúp thay đổi tư duy cuộc sống, như một điểm tựa vững chắc trong hành trình thoát nghèo.
Mở rộng mô hình rau hữu cơ sạch
Cùng với việc phát triển trồng cây dược liệu hợp thổ nhưỡng, một số địa phương ở Quảng Nam cũng chú trọng sản xuất sạch. Trong đó mô hình trồng rau củ quả hữu cơ đang cho thấy hiệu quả cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở Quảng Nam. Đơn cử như tại Hội An, vùng sản xuất rau an toàn đang thu hút hàng trăm hộ tham gia, mỗi năm đưa ra thị trường hơn 1.000 tấn rau các loại.
Điển hình như tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà hiện đang có hơn 200 hộ tham gia sản xuất, tổng diện tích trên dưới 20 ha. Mỗi năm, nông dân canh tác 4 vụ và tổng sản lượng thu hoạch đạt 700 – 800 tấn rau các loại. Với thị trường tiêu thụ ổn định, mỗi năm người dân Trà Quế thu về gần 19 tỷ đồng.
Tương tự, nông dân tại thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh cũng đang gặt hái nhiều thành công với mô hình trồng rau sạch. Toàn thôn có 11 hộ dân tham gia mô hình trồng rau hữu cơ chuyên canh với diện tích gần 1,3ha. Hàng năm, số hộ dân trên bán ra thị trường 8 – 10 tấn rau các loại, thu về khoảng 230 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng rau an toàn trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân, những năm qua, ngành nông nghiệp Hội An đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân đẩy mạnh quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ rau hữu cơ, rau theo tiêu chuẩn VietGAP và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể “làng rau Trà Quế”.
Sự chủ động của nông dân cùng sự đồng hành của ngành nông nghiệp địa phương đang giúp sản phẩm rau Trà Quế không chỉ tiêu thụ trên địa bàn Hội An mà còn mở rộng ra nhiều địa phương khác, nhất là tại các chợ và một số siêu thị lớn như Big C, Co.op Mart…
Theo số liệu thống kê mới nhất, đến nay, tổng diện tích sản xuất rau củ quả an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là hơn 85ha, trong đó 41ha có chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và hơn 44ha có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với những điểm tựa từ nông nghiệp sạch, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đang tích cực hướng đến xây dựng nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, với mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Có thể thấy, ngành nông nghiệp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang có những chuyển biến tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân. Với những thành công đang có, tỉnh dự kiến tiếp tục nhân rộng những mô hình cánh đồng lớn, đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…