Hãng sản xuất giày dép Biti's và công ty giáo dục tiếng Anh Yola là những thương hiệu đã tạo được các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để tạo đột phá về bán hàng, đem lại hiệu quả cao và nhiều bài học cho việc điều hành doanh nghiệp ở Việt Nam.

Trong sự kiện VSMCamp và CSMOSummit 2023, Tổng giám đốc Biti's Vưu Lệ Quyên nói rằng sự thành công của doanh nghiệp cũng có phần may mắn khi rơi vào đúng thời điểm, nhưng để có sự may mắn đó cũng là sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tích lũy rất lâu. 

"Chẳng hạn năm 2017, thị trường giày dép bùng nổ với sự chuyển đổi từ sản phẩm thời trang sang các loại giày sneaker, Biti's đã đón đầu được cơ hội này nhờ có sự nghiên cứu và chuẩn bị trước 10 năm", nữ doanh nhân kể lại. 

W-vuulequyen-bitis-at-1.jpg
CEO Biti's nói có những thành công phải mất đến 10 năm chuẩn bị. (Ảnh: Anh Tiến).

Lãnh đạo Biti's nói thêm từng bán các sản phẩm thể thao nhiều năm trước nhưng vẫn không thành công, do chưa có chiến dịch truyền thông đúng đắn. Sau đó, loại giày này bất ngờ thành công lớn nhờ rơi vào đúng thời điểm, đúng trend và quan trọng là công ty đã có sản phẩm sẵn sàng.

Bà Quyên tự nhận mình là người "cứng đầu" nên luôn luôn cố gắng, dù thất bại lần 1 rồi đến lần 2, lần 3 nhưng không bỏ cuộc. Sự kiên trì này là nhờ có được niềm tin rất lớn vào sản phẩm, bởi nhiều năm trước đó bà đã sang thăm dò thị trường Hàn Quốc để thấy được xu hướng này. 

Trở về nước để điều hành doanh nghiệp từ năm 2016, CEO Vưu Lệ Quyên tự tin hiện đã hiểu rất rõ thể trạng của doanh nghiệp mình, thấu hiểu được sử mệnh của doanh nghiệp trong thị trường giày dép Việt Nam. 

Sự bùng nổ đầu tiên của Biti's phải nhắc đến các chiến dịch truyền thông "Nâng niu bàn chân Việt" vào đầu thập niên 2000. Lãnh đạo doanh nghiệp nói khi đó đã tận dụng tối đa trào lưu để thực hiện chiến lược phủ đầy và phủ dày ở mọi phân khúc thị trường. 

Sau đó, các thương hiệu giày nước ngoài như Adidas, Nike,... gia nhập thị trường trong nước đẩy Biti's vào thế khó bởi xu hướng sính ngoại của người tiêu dùng, tên tuổi quá nổi bật của các thương hiệu ngoại đã khiến hoạt động kinh doanh của Biti’s đã chững lại. 

Công ty Việt chỉ bùng nổ trở lại từ 2017 khi thực hiện hàng loạt chiến dịch mang đậm nét văn hóa như kết hợp vào các sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng M-TP và Soobin Hoàng Sơn, đưa những đôi giày Biti's Hunter trở thành sản phẩm được săn tìm nhiều nhất trên các gian hàng. 

"Giai đoạn này chúng tôi luôn trong tình trạng cháy hàng, nhưng để có sự thành công đột phá này không phải chỉ may mắn mà là có sự chuẩn bị sớm trước vài năm", bà Quyên kể lại. 

Đồng quan điểm, CEO Yola Võ Thị Bích Ngọc nói rằng sự đột phá nào cũng cần đến từ những sự chuẩn bị lưỡng, con đường Yola đã đi là nhờ có những sự định hướng lâu dài và sự quyết tâm hiện thực hóa những định hướng đó. 

"Chúng tôi không chỉ có quyết tâm mà còn phải tính toán lâu dài, phải xem xét thị trường và khuynh hướng 5 năm tới ra sao, các đối thủ ra sao hay có sự đầu tư đến mức nào?", bà Ngọc nói về sự cần thiết chuẩn bị mọi mặt để đón chờ điểm bùng nổ. 

W-ngocvo-yola-at-1.jpg
CEO Yola cũng phải tính toán tầm nhìn 5 năm để có những thành công nhất định. (Ảnh: Anh Tiến).

Nữ lãnh đạo cũng nhắc đến yếu tố công nghệ có vai trò rất quan trọng cho hoạt động của các doanh nghiệp về giáo dục như Yola. Việc áp dụng công nghệ cũng phải có sự chọn lọc, khi công ty đã có những thành tựu nhất định thì nên chọn công nghệ phù hợp riêng với từng đơn vị. 

Yếu tố quan trọng nhất cho sự bùng nổ vẫn đến từ con người, bà Ngọc nói phải quán triệt định hướng chung từ cấp lãnh đạo đến từng nhân viên thực hiện, "để họ thấu hiểu và tìm ra điểm đột phá cho doanh nghiệp, họ phải thấy được cái gì thì họ mới đi theo doanh nghiệp". 

Sếp Yola ví von những điểm bùng nổ giống như quá trình học lái xe. Như lúc đầu học đi xe đạp thì doanh nghiệp đã phải té lên té xuống, ngã trái ngã phải để có thành công đầu tiên, rồi sau đó mới tiếp tục tạo điểm bùng nổ khác như lái được xe máy, ôtô.

Yola được thành lập từ năm 2009 với hoạt động lúc đầu chỉ tập trung dạy cho người đi du học nước ngoài. Công ty sau đó có những chiến dịch bước ra vùng an toàn để dẫn dầu thị trường, như mở rộng đối tượng học sang học sinh và trẻ em từ 3 tuổi trẻ lên.

Lãnh đạo công ty giáo dục kể lại đã phải chuẩn bị nhiều năm cho hệ thống dạy học online khi mà thị trường vẫn có tư tưởng phải học offline. Bà Ngọc nói đã phải đối mặt rất nhiều áp lực từ việc thuyết phục ban lãnh đạo cấp vốn đầu tư đến kiên trì hướng dẫn giáo viên về hệ thống mới, và khi Covid-19 đến thì Yola mới có được sự chuẩn bị tốt nhất để nắm giữ được phân khúc này.