Hiện có một số ý kiến lo ngại rằng khi các đại gia thương mại điện tử bán lẻ quốc tế như Amazon, Alibaba, eBay... đầu tư kinh  doanh tại Việt Nam sẽ gây áp lực cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp nội địa.

Tuy nhiên, phân tích về khả năng thâm nhập thị trường Việt của các đại gia thương mại điện tử nước ngoài, ông Tuấn Hà, Giám đốc Công ty Vinalink loại trừ khả năng hiện diện của Amazon.

"Amazon nếu có vào được Việt Nam thì phải "bước qua" Facebook. Tôi nghĩ rằng Amazon không có cửa ở Việt Nam, vì những người bán lẻ sẽ không chọn Amazon là nơi để bán hàng mà chỉ chọn Amazon là nơi để xuất khẩu hoặc mua hàng ở nước ngoài vào Việt Nam. Thực tế hiện nay, người Việt Nam khi bán hàng thì thường bán trên Zalo, Facebook... chứ không qua Amazon", ông Tuấn Hà nói.

Trước năm 2011, Amazon hầu như không quan tâm đến thị trường Việt Nam, thậm chí còn không đưa tên Việt Nam vào danh sách shipping của mình. Đặc biệt, Amazon không chấp nhận các thanh toán bằng thẻ Visa từ Việt Nam vì lo ngại vấn đề bị hacker Việt Nam tấn công chiếm đoạt tiền từ thẻ tín dụng. Hàng hóa được mua từ Amazon.com về Việt nam thời điểm này chủ yếu là nhờ người thân ở Mỹ xách tay về.

Từ năm 2011 đến nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam quan tâm tới việc mua hàng trên Amazon. Và nhiều hãng vận chuyển bắt đầu triển khai dịch vụ giúp người tiêu dùng Việt Nam mua được hàng hóa trên Amazon.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc Amazon quyết định chính thức bước vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Liên quan tới khả năng cạnh tranh rất mạnh của Facebook, lấn át các đối thủ khác tại thị trường Việt, ông Phạm Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Miczone nhận định: "Ở Việt Nam, mọi người đa số bán hàng trên Facebook. Chính Facebook là tác nhân đóng góp đáng kể vào doanh số thương mại điện tử của Việt Nam khoảng 4 tỷ USD năm vừa rồi theo thống kê của Bộ Công Thương. Thực ra, doanh số trên Facebook còn lớn hơn rất nhiều".

Nhấn mạnh thêm về "sức mạnh" của Facebook, ông Phạm Đạt chia sẻ: "Trước khi Alibaba vào Việt Nam thông qua đối tác có cổ phần, thì Lazada là một "tay chơi" rất mạnh ở mức độ toàn cầu. Nhưng thực ra hiện nay, Lazada lại đang gặp khó không phải vì cạnh tranh trực tiếp với Tiki, Sendo hay các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử Việt Nam khác mà thực ra đang bị cạnh tranh trực tiếp bởi 1 triệu người bán hàng trên Facebook, đó là tầng lớp doanh nhân mới ở Việt Nam".