Triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, các địa phương tại huyện Kon Rẫy đã giúp hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Kon Rẫy là huyện miền núi của tỉnh Kon Tum, trên 68% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, tập trung giảm nghèo bền vững, đa chiều, các cấp, các ngành của huyện Kon Rẫy chủ động phối hợp đa dạng hình thức tuyên truyền; các hoạt động hỗ trợ hướng tới giá trị thiết thực, bền vững.
Đầu năm 2024, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 797 hộ, chiếm tỷ lệ 10,51%; tổng số hộ cận nghèo là 760 hộ, chiếm tỷ lệ 10,03%.
Theo báo cáo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của huyện cuối tháng 11/2024, huyện Kon Rẫy còn 574 hộ nghèo (tỷ lệ 7,47%), giảm được 223 hộ so với đầu năm; trong đó có 509 hộ nghèo dân tộc thiểu số (chiếm 88,6% tổng số hộ nghèo). Ngoài ra có 598 hộ cận nghèo (7,8%), giảm 162 hộ so với đầu năm nay, trong đó có 538 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 90% tổng số hộ cận nghèo).
Thời gian qua, huyện Kon Rẫy tập trung huy động các nguồn lực từ Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và các chương trình khác, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng để chăm lo các chiều dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.
Đại đa số hộ nghèo, cận nghèo tại Kon Rẫy là đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế, chăm lo chiều thiếu hụt về y tế, sức khoẻ, huyện chú trọng nhóm đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có thẻ BHYT có điều kiện tham gia BHYT, nhằm giúp đồng bào hiểu được lợi ích khi tham gia BHYT. Tính cuối tháng 10/2024, huyện có 29.000 người tham gia BHYT, chiếm 98%. Trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số có thẻ BHYT chiếm trên 96%.
Thực tế tại địa phương này, nhiều năm trước, khi bị ốm, mắc bệnh, đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, cận nghèo hay tìm thầy mo để cúng giải hạn hoặc tự cúng theo tập tục lạc hậu. Giờ đây mỗi khi bị ốm, người dân đã đến trạm y tế xã, bệnh nặng thì chuyển lên tuyến huyện, tuyến tỉnh để được khám chữa bệnh theo khoa học.
Năm 2024, huyện đã hỗ trợ vi chất dinh dưỡng cho hơn 1.600 trẻ em dưới 16 tuổi. Việc nâng cao tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT, chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em đã góp phần cho huyện Kon Rẫy đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho người dân.
Triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, các địa phương tại huyện Kon Rẫy đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm 2024, thực hiện Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án 1 Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Kon Rẫy được bố trí tổng cộng hơn 5,1 tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND huyện, thực hiện Dự án 2 và tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3, hiện nay số cây, con giống được hỗ trợ đều sinh trưởng và phát triển tốt, bò sinh sản được hỗ trợ một số đã sinh bê con. 6 con giống bị chết trong 3 năm qua do nguyên nhân khách quan đã được hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau để mua lại. Hàng trăm hộ dân nghèo, cận nghèo đang thực hiện mô hình trồng cây ăn quả (cây sầu riêng, mít Thái); trồng cây mắc ca và cây cao su... Các cây giống chết (tổng số 2022-2024 khoảng 30%) đều được UBND các xã hỗ trợ để trồng dặm, đảm bảo thực hiện dự án.
Gia đình ông A Preh (69 tuổi, ở thôn 10, xã Đăk Ruồng) là hộ dân nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào lúa, mì nên quanh năm vẫn còn khó khăn. Được tham gia mô hình nuôi bò sinh sản, ông chủ động xây dựng chuồng trại phù hợp và trồng thêm 1 sào cỏ voi để phục vụ chăn nuôi bò. Sau khi được hỗ trợ 1 con bò cái, gia đình đã mang đi phối giống, đến nay, con bò phát triển rất tốt và đẻ 1 con bê.
"Gia đình tôi sẽ tiếp tục chăm sóc để đàn bò khỏe mạnh, tạo sinh kế bền vững, phấn đấu vươn lên thoát nghèo", ông nói. Tại xã Đăk Ruồng nơi ông A Preh sinh sống có 20 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ bò sinh sản từ Dự án 2 để có thêm sinh kế phát triển sản xuất.
Để triển khai Dự án 2 hiệu quả, hằng năm các địa phương phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 2 - 3 lớp tập huấn để các hộ có thêm kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng. Tham gia mô hình, người dân nghèo biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ vậy, mô hình được hỗ trợ đang phát triển tốt, từng bước tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo.
Trên đà giảm nghèo, huyện Kon Rẫy đặt mục tiêu năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm còn bằng hoặc dưới 6%; Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng toàn huyện thể thấp còi (chiều cao/tuổi) xuống dưới 19%, thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) xuống dưới 16,8% (tương đương năm 2024).
Huyện cũng phấn đấu năm tới sẽ đào tạo nghề cho 450 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 58,4% (năm 2024 là 55,62%); Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo.