Dự kiến ngày 12/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đề nghị Quốc hội phê chuẩn tân thống đốc sau khi ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chuyển công tác về làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Sau đó, dự kiến Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự một số thành viên Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

{keywords}
 

Ứng viên nữ thống đốc

Ứng viên cho vị trí tân thống đốc là bà Nguyễn Thị Hồng, hiện là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Bà Hồng cũng là nữ phó thống đốc duy nhất trong 4 phó thống đốc hiện tại. Các đồng cấp hiện tại của bà Hồng gồm ông: Đào Minh Tú, Nguyễn Kim Anh và Đoàn Thái Sơn.

Bà Nguyễn Thị Hồng sinh ngày 27/3/1968 tại Hà Nội, có bằng Thạc sỹ Kinh tế phát triển. Theo Ngân hàng Nhà nước, bà Hồng đã có gần 30 năm công tác trong ngành ngân hàng và bắt đầu công tác ở Ngân hàng Nhà nước từ tháng 1/1991 tại Vụ Quản lý Ngoại hối.

Gần 3 năm sau (tháng 11/1993), bà chuyển công tác sang Vụ Chính sách tiền tệ. Từ một chuyên viên, bà được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng, rồi Trưởng phòng Cán cân thanh toán quốc tế (Vụ Chính sách Tiền tệ), sau đó là phó vụ trưởng vụ này. Năm 2012, bà Nguyễn Thị Hồng là Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ.

{keywords}
Nếu được Quốc hội phê chuẩn, bà Nguyễn Thị Hồng sẽ trở thành nữ thống đốc đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Hà My

Năm 2014, bà Nguyễn Thị Hồng được Thủ tướng bổ nhiệm làm Phó thống đốc khi 46 tuổi và tại vị cho đến hiện tại.

Nếu được bổ nhiệm vào vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng sẽ là nữ thống đốc đầu tiên. Tuy nhiên, hiện tại bà Hồng không phải là Ủy viên Trung ương Đảng.

Ở vị trí phó thống đốc, bà Hồng được phân công phụ trách công tác chính sách tiền tệ, tín dụng, dự báo, thống kê tiền tệ; theo dõi diễn biến thị trường tiền tệ trong nước, ngoài nước; các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng trung ương.

Đặc biệt, bà Hồng phụ trách công tác thông tin tuyên truyền, báo chí và là người phát ngôn của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, sáng 20/10, Bộ Chính trị công bố quyết định điều động, phân công ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Ông Lê Minh Hưng sinh năm 1970 ở xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là Thạc sỹ Chính sách công, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như phó phòng, Trưởng phòng Ngân hàng Phát triển châu Á; vụ phó, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ trưởng Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tháng 10/2011, ông được bổ nhiệm làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Năm 2014, ông từng được điều động làm Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 9/4/2016, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Lê Minh Hưng làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điểm sáng về dự trữ ngoại hối

Một trong những thành tích nổi bật của Ngân hàng Nhà nước trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Lê Minh Hưng và bà Nguyễn Thị Hồng là dự trữ ngoại hối tăng liên tục.

Kết thúc năm 2017, dự trữ ngoại hối mới ở mức 51,5 tỷ USD. Đến tháng 1/2020, dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD và đến tháng 9/2020 ở mức 92 tỷ USD. Như vậy trong vòng chưa đầy 3 năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm được 40,5 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Nếu đạt con số 100 tỷ USD vào cuối năm nay thì dự trữ ngoại hối đã tăng gần gấp đôi sau 3 năm.

{keywords}
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh vị trí của ngành ngân hàng đối với sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước. Trong lần dự hội nghị tổng kết năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng đánh giá trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua.

Một trong những điểm sáng được Thủ tướng nhấn mạnh là tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, tỷ lệ nợ xấu giảm, dự trữ ngoại hối tăng…

Thủ tướng từng giao mục tiêu kép cho Ngân hàng Nhà nước là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, cạnh tranh khu vực và quốc tế và đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp với phương châm dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tín dụng ngân hàng với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất.

(Theo Zing)