Có lẽ ai cũng hiểu, việc sử dụng thực phẩm độc hại trong thời gian dài còn gây ra những bệnh nghiêm trọng hơn các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí có thể là ung thư.
Sống chung với thực phẩm bẩn
Hầu như ngày nào, thông tin về những vụ bắt giữ thực phẩm bẩn như: lòng lợn ôi, thịt ướp hóa chất... hay các vụ ngộ độc thức ăn cũng được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giờ đây thay vì những vụ thu giữ vài chục ký thực phẩm bẩn như trước, các cơ quan chức năng đã công bố con số hàng tấn thực phẩm bẩn trong nhiều vụ.
Chẳng hạn gần đây, vào tháng 8/2014, khi lấy ngẫu nhiên 30 mẫu thịt lợn trên địa bàn thành phố HCM, cơ quan chức năng đã phát hiện 13/30 mẫu (chiếm tỷ lệ 43,33%) có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt giới hạn cho phép. Nguy hại hơn là các loại kháng sinh như sulfadimidin đều có chống chỉ định với người suy gan, suy thận và có tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về sự nguy hại vô tình tiềm ẩn trong số vô vàn các loại thực phẩm được cho là bình thường khi lưu hành trên thị trường mà người dân vẫn mua bán, chế biến ăn uống mỗi ngày. Đó là chưa kể tới những loại thực phẩm bẩn chính gốc được ngụy trang ăn gian làm điêu, được rưới thêm các thứ phụ gia cũng độc hại không cùng để móc túi khách hàng.
Hậu họa của thực phẩm bẩn, của việc bị ăn bẩn cũng có nhiều con số minh họa đau lòng. Trực tiếp, tức thời nhất là các ca ngộ độc thực phẩm, trong gần 14 năm, cả nước xảy ra 2.683 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 78.051 người bị ngộ độc phải nhập viện với 688 ca tử vong (theo số liệu của Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP). Mới đây nhất là 2 vụ ngộ độc tập thể của 360 công nhân ở huyện Lương Tài, Bắc Ninh, và 153 người ở Kiên Giang.
Còn về lâu dài thì ai cũng hiểu, việc sử dụng thực phẩm độc hại trong thời gian dài còn gây ra những bệnh nghiêm trọng hơn các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí có thể là ung thư. Và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà từng có tổ chức quốc tế cảnh báo về nguy cơ ung thư gia tăng nhanh của VN.
Để đảm bảo cho quyền được ăn sạch mỗi người dân Việt, từ năm 2005, Chính phủ đã thành lập cả một Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm với sự tham gia của nhiều bộ ngành như Y tế, NN&PTNT, Công thương, Tài chính, Công an, và các cấp chính quyền địa phương. Nhưng chỉ thoáng quan sát qua báo chí cũng đủ thấy tại sao thực phẩm bẩn vẫn thản nhiên tràn ngập thị trường.
Một PGĐ Sở Công thương Hà Nội đã từng thốt lên "Không hiểu sao hệ thống kiểm soát có hàng chục chốt chặn của rất nhiều cơ quan chức năng liên quan mà những mặt hàng thực phẩm bẩn vẫn dễ dàng vượt qua, tràn về Hà Nội được?"
Còn tại TPHCM, Chi cục trưởng Chi cục thú y thừa nhận TP.HCM đang "chịu trận" nguồn thịt bẩn tuồn vào quá nhiều nhưng lực lượng thú y mỏng nên không kiểm soát nổi. Còn trên bình diện cả nước Cục trưởng Cục VSATTP (Bộ Y tế) cũng cho rằng không thể xử lý triệt để các mặt hàng thực phẩm bẩn trong một sớm một chiều được và làm cho các mặt hàng "chết người" biến mất hoàn toàn là một bài toán nan giải.
Gần đây nhất là trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã giải trình nêu khó khăn của ngành Quản lý Thị trường là thiếu thốn công cụ, đến nỗi để phân biệt thật giả một lô phân bón hữu cơ, cán bộ quản lý thị trường phải... nếm.
Các công nhân được cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa quận 12. Ảnh: TTXVN |
Chẳng lẽ mãi "tranh tối, tranh sáng"?
Trước những sự thiếu tự tin đó, tình trạng thiếu cả phương tiện lẫn nhân lực hành nghề thế này, chẳng lẽ người Việt cứ ăn uống tranh tối tranh sáng.
Câu chuyện thật không đơn giản. Vì ngay cả các nước phát triển có hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt thì thi thoảng vẫn còn lọt lưới một vài vụ bê bối thực phẩm bẩn.
Ví dụ như Hàn Quốc, một quốc gia nhập khẩu tới 70% thực phẩm, kinh nghiệm kiểm soát thực phẩm an toàn là ứng dụng triệt để tiến bộ của khoa học kỹ thuật với những loại máy móc hiện đại nhất cho kết quả chính xác nhất. Vậy nhưng cơ quan này vẫn bị một tổ chức khoa học phi chính phủ chỉ trích cho rằng cần đưa ra bằng chứng khoa học đầy đủ hơn trước khi quyết định thu hồi 6 loại mì Nongsim, rồi lại đảo ngược kết luận là các loại mỳ này chứa chất gây ung thư nhưng ở nồng độ không đáng lo ngại. Trong khi cũng vụ mì nhiễm độc này, VN không thể tìm ra tung tích của lô hàng mà phía Hàn Quốc thông tin đã xuất sang ta trước thời điểm vụ việc bị phát giác.
Tương tự như vậy, vụ dầu bẩn Đài Loan chấn động thế giới gần đây, các lô hàng bẩn được Đài Loan thông báo đã xuất sang VN thì truy mãi không rõ đang ở phương nào hay đã chui vào dạ dày những ai.
Báo chí đã trích lời ông Eric Hermann Jofman, một chuyên gia thực phẩm có 42 năm kinh nghiệm tại các nước châu Âu và CA-TBD cho biết, hệ thống quản lý, pháp luật của các nước là như nhau, nhưng cách thức kiểm soát khác xa nhau.
Ông Jofman chỉ ra, ở các nước châu Âu, cơ quan kiểm soát chất lượng thực phẩm có quyền ập vào nhà máy sản xuất bất cứ lúc nào và kiểm tra ngay mẫu vật đang sản xuất với trang thiết bị máy móc hiện đại đảm bảo độ chính xác tuyệt đối. Nếu có vấn đề không đảm bảo an toàn thì nhà máy đó bị đóng cửa tức khắc. Đó là lý do khiến các tập đoàn lớn về thực phẩm trên thế giới đều phải chủ động kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Ông Jofman tin rằng sự hiểu biết và nhu cầu của người dân đối với thực phẩm sạch tăng lên, các doanh nghiệp sẽ phải chịu sức ép lớn hơn để đảm bảo sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, theo ông Jofman, các DN theo đuổi chuỗi giá trị sạch cần có những hỗ trợ để có thể theo đuổi mô hình này trong bối cảnh thị trường thực phẩm sạch - bẩn lẫn lộn như hiện nay.
Câu trả lời quen thuộc và khéo léo của vị doanh nhân nước ngoài kia có lẽ chưa đủ thuyết phục. Sự hiểu biết của người dân về thực phẩm an toàn, chính sách ưu đãi của nhà nước về vốn và thuế cho doanh nghiệp thực phẩm sạch tiên phong (nếu có) cũng chỉ là điều kiện cần cho một thị trường thực phẩm an toàn. Điều kiện đủ là sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, và quan trọng hơn cả là sự liêm chính, công tâm của các cán bộ giữ trọng trách này.
Kim Sen