Trời tháng Hai ở miền Tây nắng nóng. Chàng trai Nguyễn Tấn Sang (23 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) lấm tấm mồ hôi ngoài vườn mít ruột đỏ để cắt hơn 300kg bán cho thương lái. Mỗi cân mít Sang bán giá 65.000 đồng.
“Gần cuối vụ nên mít còn ít, nhưng đợt này giá cao hơn lần trước”, Sang mỉm cười nói với mọi người.
Nguyễn Tấn Sang sinh ra trong gia đình thuần nông. Nhà có 2 anh em, Sang là anh cả. Từ nhỏ, Sang đã học rất giỏi. Sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin - Đại học Cần Thơ. Em gái của Sang nối bước anh trai khi đậu ngành Ngôn ngữ Pháp - Đại học Cần Thơ.
“Do bằng đại học của em là kỹ sư nên phải học 4,5 năm. Tháng 3 tới đây, em sẽ nhận bằng kỹ sư Công nghệ thông tin của Đại học Cần Thơ”, Nguyễn Tấn Sang chia sẻ.
Ngoài giờ học, Sang tranh thủ thời gian rảnh chạy xe khoảng 20km từ trường về nhà để phụ cha mẹ chăm sóc vườn cây ăn trái.
Hồi năm 2018, Sang đọc báo thấy mô hình trồng mít ruột đỏ giống Indonesia có nhiều ưu điểm như: năng suất cao, ít tốn công chăm sóc, cho lợi nhuận kinh tế khá cao, mỗi trái bán thu về cả triệu đồng. Chàng trai trẻ bắt đầu nhen nhóm ý tưởng trồng mít ruột đỏ.
Kinh nghiệm về giống cây mới chỉ là con số 0, Sang bắt đầu tìm hiểu trên mạng và đến tận nhà vườn ở Hậu Giang học hỏi kinh nghiệm. Có chút kiến thức, Sang thuyết phục cha mẹ cho mua mít ruột đỏ về trồng trong vườn. May mắn, Sang được cha mẹ ủng hộ.
Cuối năm 2018, khoảng 500 cây mít ruột đỏ giống đầu tiên được Sang mua về trồng trong vườn nhà. “Mít ruột đỏ giống lúc đó em mua 200.000 đồng/cây. Cây mua về, em và ba trồng sau vườn. Việc tưới, bón phân… được làm theo đúng quy trình. Học xong là em chạy xe từ Cần Thơ về chăm sóc vườn”, Sang nhớ lại.
Sau 18 tháng trồng, mít ruột đỏ bắt đầu cho trái, thêm 6 tháng nữa là có thể thu hoạch.
Với lợi thế là sinh viên công nghệ thông tin, Sang tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến để nhanh chóng quảng bá rộng rãi giống mít ruột đỏ của mình đến người tiêu dùng. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn nhiều cửa hàng kinh doanh trái cây ở TP.HCM đặt mua mít ruột đỏ của chàng trai này.
“Lứa mít đầu tiên, em thu hoạch hơn 10 tấn. Toàn bộ em bán cho các cửa hàng kinh doanh trái cây ở TP.HCM”, Sang nói và cho biết, giá mít ruột đỏ luôn duy trì ở mức cao, từ 30.000 đến hơn 60.000 đồng/kg.
Tiền lãi thu được, Sang tiếp tục bàn với gia đình dùng vào việc mở rộng diện tích trồng mít. “Em và ba quyết định chặt bỏ vườn nhãn, lên liếp ruộng lúa để trồng mít ruột đỏ. Đến nay, gia đình em đã có 2ha trồng mít ruột đỏ”, Sang nói.
Theo chàng trai Cần Thơ, ưu điểm của giống mít ruột đỏ so với các giống mít khác là cây phát triển tốt, có thể kiểm soát được tình trạng xơ đen. “Mít này rất ngọt, giòn, múi lột khô ráo, không bị nhớt. Trung bình mỗi cây cho từ 60 -150kg, cho trái quanh năm”, Sang nói.
Sang chia sẻ thêm, 2ha vườn mít của gia đình đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. “Trồng mít ruột đỏ theo VietGAP mình được nhiều cái lợi như cách thức chăm sóc đúng khoa học kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu vào; hạn chế được dịch bệnh trên cây, tăng năng suất trái.
Đồng thời trồng mít theo VietGAP đảm bảo được chất lượng sản phẩm sạch, giúp giá trị của mít bán ra thị trường tăng lên”, Sang nói. Chàng trai trẻ còn cho biết, mít ruột đỏ của gia đình ngoài bán cho các cửa hàng ở TP.HCM thì thương lái cũng đến tận vườn thu mua để xuất sang Trung Quốc.
Nhờ vào vườn mít, mỗi năm trừ hết chi phí, gia đình Sang thu về khoảng 500 triệu đồng.
Khi được hỏi về dự định tương lai, Sang cho biết, trước mắt sẽ cố gắng chăm sóc vườn mít để cây ra trái thật tốt. “Trong tương lai nếu sắp xếp được thời gian thì em mới tính đến chuyện đi làm công việc đúng với chuyên ngành mình đã học”, Sang nói.
Chị Nguyễn Bích Tuyền (46 tuổi, mẹ ruột của Sang) chia sẻ: “Sau giờ học, Sang đều chạy về cắt tỉa cành, bón phân, bao trái… cho vườn mít. Vợ chồng tôi luôn ủng hộ ý tưởng, việc làm của con trai. Lấy bằng tốt nghiệp xong, nếu Sang muốn ở nhà chăm sóc vườn mít thì vợ chồng tôi cũng ủng hộ, không bắt buộc con phải đi làm đúng chuyên ngành”.