Khi bác tài xe ôm xông pha chống dịch

Anh Trần Phương Hưng (31 tuổi, quê Hải Phòng) là đối tác tài xế lâu năm của Gojek. Khi TP.HCM bước vào giãn cách xã hội, loại hình xe ôm công nghệ hạn chế hoạt động để đảm bảo các quy định phòng chống dịch, anh Hưng bùi ngùi treo lên mắc chiếc áo đồng phục xanh đen thân thuộc mang logo của Gojek, “người bạn” đã đồng hành cùng anh mỗi ngày suốt một năm qua. Ngồi nhà bứt rứt chân tay, anh nhớ những ngày tháng chạy xe rong ruổi trên đường, nhớ những câu chuyện phiếm đủ mọi chủ đề với khách hàng, nhớ những câu cảm ơn ríu rít của khách, của các chủ quán GoFood. Nhớ những lần được nghe Gojek nói về “tạo ra tác động tích cực cho xã hội”, anh thấy mình cần làm một cái gì đó cho cộng đồng. Như có một động lực thôi thúc, anh quyết định đăng ký tham gia vào đội ngũ tình nguyện viên chống dịch tại quận 1, cũng là địa bàn nơi anh sinh sống.

Suốt gần 5 tháng lăn xả cùng các tình nguyện viên, anh Trần Phương Hưng không nề hà bất kỳ công việc gì. Cùng với 19 người trong nhóm đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, anh Hưng tham gia hỗ trợ phường tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho bà con, phân luồng các điểm tiêm vắc-xin, chở F0 đến khu cách ly, cấp cứu người dân trong mùa dịch, phát lương thực và các gói hỗ trợ,… Anh còn giúp đỡ người dân trong vùng phong tỏa đi chợ, mua thuốc, cứu thương.

Tận dụng những kỹ năng, kiến thức có được sau nhiều năm gắn bó với nghề tài xế, anh Trần Phương Hưng trở thành cánh tay đắc lực cho đội ngũ y tế địa phương. Nhờ nắm bản đồ Sài Gòn “trong lòng bàn tay”, sành sỏi đến từng ngõ ngách, anh Hưng giúp vận chuyển oxy đến cho người nhiễm Covid-19 một cách nhanh chóng và kịp thời nhất. Với thể lực của một thanh niên chạy xe mỗi ngày, anh lái xe băng băng trên đường, khuân vác lương thực và phát gói cứu trợ cho người dân từ sáng đến đêm. Niềm vui vì giúp đỡ được những mảnh đời khó khăn khỏa lấp đi mọi sự mệt mỏi. 

Khi được hỏi đâu là động lực để dấn thân vào công việc nhiều rủi ro này, anh Hưng nói: “Thời gian xe ôm công nghệ không được hoạt động, tôi ở nhà không làm gì thấy sốt ruột lắm. Tôi nghĩ mình nên chọn làm những điều có ý nghĩa và biết đâu cũng lan toả được sự tích cực cho mọi người xung quanh, giúp mọi người vượt qua được những căng thẳng trong thời gian đó. Lúc đi, tôi cũng có lường trước được những nguy hiểm, nhưng nghĩ mình được tiêm vắc-xin đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành 5K sẽ không sao. Mình an toàn thì mình hy vọng mọi người cũng được an toàn”.

Anh Hưng cho biết nhờ đi chống dịch mà tinh thần của anh lại trở nên vững vàng hơn. Sau nhiều tháng theo sát hoạt động của đội ngũ y tế, quân nhân, anh Hưng giờ đây hiểu rất rõ về quy trình cấp cứu, chữa triệu chứng cho những người mắc Covid-19. Đây cũng là cơ hội để anh được quen biết mọi người ở nhiều ngành nghề khác nhau, từ các y bác sĩ cho đến các em thanh niên xung phong. Anh Hưng cũng rất vui khi được chứng kiến tình nghĩa mà người dân TP.HCM dành cho đội ngũ chống dịch. Bác tài Gojek cho biết đôi khi còn được người dân xung quanh điểm tập kết nấu đồ ăn sáng mang qua cho và động viên tinh thần.  

{keywords}
Những đóng góp tích cực anh Trần Phương Hưng (giữa) vinh dự được vinh danh trong chương trình Giải thưởng Đối tác Gojek Xuất sắc năm 2021 - Gojek's Partner Champion 2021 Awards (Mitra Juara Gojek 2021)

Chỉ mong thành phố trở lại như xưa

Ngày anh Hưng vác ba lô đi tình nguyện, cả gia đình lo lắm. “Ban đầu vợ và mẹ phản đối chuyện tôi đi, nhưng thấy tôi quyết tâm quá rồi từ từ mọi người cũng xiêu lòng”, anh kể lại. Để đảm bảo an toàn, nhóm tình nguyện của anh được phường bố trí cho một chỗ ở tập trung. Mấy tháng liền đi theo đoàn chống dịch, anh hiếm khi dám về thăm nhà. Mỗi khi về, anh Hưng đều cẩn thận tự test Covid-19 trước, nhưng cũng tránh tiếp xúc gần với người thân khi gặp mặt, chỉ tranh thủ đứng trò chuyện từ xa, nán lại khoảng 1-2 tiếng rồi lại về điểm tập kết.

Dù công việc thường xuyên phải tiếp xúc với F0, rủi ro lây nhiễm sẽ cao hơn nhưng anh Hưng cho biết bản thân chưa bao giờ muốn dừng bước. Anh chỉ mong muốn giúp được càng nhiều người khỏi bệnh càng tốt, để TP.HCM nhanh chóng khỏe lại. Việc đồng hành cùng đội ngũ tình nguyện viên cũng mang đến cho anh nhiều kỉ niệm xúc động khó quên. “Trong một lần hỗ trợ lực lượng quân y, tối đó chúng tôi nhận được một cuộc gọi khẩn thông báo có một cụ già đang cần gấp oxy để thở. Anh em tức tốc qua đó nhưng không kịp. Chúng tôi vào rồi vuốt mắt cho cụ. Đó là buổi tối mà tôi không thể nào quên cho đến tận bây giờ. Nhìn một người ra đi ngay trước mắt mình thật không dễ chút nào,” anh Hưng bồi hồi nhớ lại.

Anh chia sẻ, đôi khi cũng cảm thấy mệt mỏi vì áp lực kinh tế đè nặng trong mùa dịch. Nhưng rồi anh lại tự trấn an bản thân để tiếp tục với công việc tình nguyện: “Áp lực kinh tế tất nhiên có nhưng nhìn chung gia đình tôi vẫn may mắn hơn nhiều người. Cẩn thận một chút thì cũng đủ chi tiêu. Thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ sức khỏe là quan trọng nhất và phải làm sao để giúp được nhiều người nhất, sao cho TP.HCM mình mau hết dịch. Vì chỉ khi tình hình dịch ổn định, mọi người mới lại có thể làm ra tiền”.

Gắn bó bền bỉ với đội tình nguyện chống dịch từ đầu tháng 5, bác tài Trần Phương Hưng chỉ rời đi khi tình hình dịch bệnh tạm ổn, TP.HCM nới lỏng giãn cách. Giờ đây khi được quay trở lại với những cuốc xe đón đưa khách hàng, anh Hưng cho biết bản thân cảm thấy rất mừng. Anh cũng an tâm khi được Gojek quan tâm thông qua việc thay đổi các chính sách điểm thưởng, hỗ trợ test Covid-19 thường xuyên,... Anh Hưng bộc bạch: “Bước vào giai đoạn bình thường mới, mọi thứ đã đỡ vất vả hơn cho anh em tài xế. Trông phố xá đông vui tôi cũng thấy tinh thần phấn chấn hơn hẳn. Giờ đây tôi không mong muốn gì hơn mọi người được khỏe mạnh và Sài Gòn sẽ không phải trải qua thêm bất kì một đợt giãn cách nào nữa. Trong lúc này, không phải ai cũng dư dả để giúp đỡ nhau về vật chất, nhưng với tôi cứ truyền cho nhau những điều tích cực là đáng quý lắm rồi”.

Phương Dung