Ba năm trước, Boyan Slat vẫn còn là một cậu thanh niên 18 tuổi mang trong mình nhiệt huyết cháy bỏng với ý tưởng… làm sạch đại dương. 

Trên sân khấu diễn đàn TEDx – nơi tập trung của cộng đồng trí thức trẻ trên toàn thế giới – Slat say mê trình bày về ước mơ và hoài bão đáng nể ở lứa tuổi của cậu. Cậu khát khao một ngày, ý tưởng đầy táo bạo của mình sẽ trở thành hiện thực: Một mạng lưới gồm nhiều bức tường nổi có khả năng thu gom hàng nghìn tỷ tấn rác thải nhựa đang trôi trên biển. Nhờ đó, đại dương sẽ có khả năng tự làm sạch nhờ những đợt thủy triều lên xuống trong ngày.

Giờ đây, khi đã 20 tuổi, Slat đã trở thành sáng lập viên kiêm CEO của tổ chức “Thanh lọc Đại dương”. Đồng thời, ý tưởng của Slat cũng đã giành chiến thắng trị giá gần 160.000 USD của Index Award – giải thưởng dành cho các doanh nhân trẻ có những biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm của thế giới. Cùng với nhóm nghiên cứu, Slat đang có kế hoạch xây dựng một hệ thống thu gom rác dài tới 100 km ở phần biển Thái Bình Dương giữa Hawaii và California. Dự kiến, hệ thống này sẽ được triển khai vào năm 2020 và sẽ trở thành công trình nổi trên biển dài nhất thế giới.

{keywords}
Hệ thống "Thanh lọc Đại dương" của Slat sẽ là hệ thống bảo vệ môi trường lớn nhất từ trước tới nay.

Trong bài phát biểu tại TEDx vào năm 2012, Slat chia sẻ đầy tự hào rằng đây sẽ là một trong những hệ thống bảo vệ môi trường lớn nhất từ trước tới nay. Hệ thống này có hình dạng như một chữ V khổng lồ “hút” mọi loại rác thải nhựa về phía trung tâm – mũi nhọn của chữ V. Những lớp tường rào sẽ được cố định ở độ sâu gần 5 km dưới đáy biển Thái Bình Dương, kết hợp với sức nước khi thủy triều lên xuống nhằm gom rác thải nhựa vào một điểm. Tổ chức này của Slat mới đây cũng đã hoàn thành cuộc thám hiểm kéo dài 1 tháng nhằm nghiên cứu các dạng rác thải nhựa ở khu vực Thái Bình Dương. Ngoài ra, nhóm của cậu cũng đã lên kế hoạch thử nghiệm mô hình này ở ngoài khơi bờ biển Nhật Bản trong năm sau. Hy vọng hệ thống dài 100 km này sẽ giúp “dọn dẹp” sạch sẽ Thái Bình Dương trong vòng 10 năm tới.

{keywords}
Ý tưởng đầy tiềm năng này đã giúp Slat thu về 2 triệu USD tiền đầu tư.

Cần phải nói thêm, bài phát biểu 3 năm trước của Slat trên TEDx đã giúp cậu thu về tới 2 triệu USD tiền đầu tư cho dự án. Dù vậy, có không ít ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, tham vọng này của cậu ít có tính khả thi bởi hiện nay, hầu như chưa có cách nào để có thể cố định một công trình khổng lồ như vậy dưới đáy biển. Đồng thời, họ cũng nghi ngại rằng sự xuất hiện của một công trình lớn như vậy giữa biển khơi sẽ làm phương hại tới nhiều loài sinh vật biển. Ngoài ra, nhiều người khẳng định, ý tưởng này ban đầu nghe rất hay nhưng gần như không mang tính thực tiễn. Bởi lẽ, diện tích bao phủ của rác thải nhựa trên bề mặt nước biển là không thể đong đếm. Thậm chí, Slat còn bị cho là… tên ngốc bởi ý tưởng quá táo bạo và có phần phi thực tế này.

Thế nhưng, không gì có thể ngăn cản chàng trai Slat 20 tuổi thực hiện hoài bão của mình. Cậu thậm chí còn dày công nghiền ngẫm và cho ra đời công trình nghiên cứu dày 530 trang với mục đích “đập tan” mọi lời hoài nghi, đàm tiếu. Công trình này đã lấy của Slat 1 năm tuổi trẻ, nhưng quan trọng là nhờ nó, tính thực tế của ý tưởng năm xưa đã được chứng minh. Slat còn quả quyết khẳng định, “Chúng tôi vẫn chưa tìm ra lý do gì để bỏ dở dự án này. Dù hiện tại vẫn chưa có gì quá cụ thể nhưng chúng tôi biết, chắc chắn sẽ có một ngày dự án này sẽ trở thành hiện thực, bởi lẽ nó hoàn toàn khả thi”.

Theo Trí thức trẻ/BusinessInsider