Một chàng trai được mệnh danh là "sinh vật nửa người nửa máy" (cyborg) vừa tiết lộ bí mật giúp anh có thể mở được các loại cửa an ninh chỉ bằng một lần phảy tay.
Một đoạn video quay ở Szekesfehervar, Hungary cho thấy chàng trai trẻ có tên Gabor Heims, 31 tuổi đang được cấy một thiết bị vào trong tay của mình. Sau đó, anh phô diễn khả năng dùng thiết bị cấy ghép phát hiện các lỗ hổng trong những hệ thống an ninh đời thường và bẻ khóa chúng thành công.
Trong video có cảnh Heims phảy tay trước một thiết bị cảm biến, rồi mở cánh cổng bị khóa, giúp anh lọt được vào một khu vực cấm tại nơi làm việc. Chàng hacker tự nhận là "có lương tâm" này lặp lại thủ thuật với một rào chắn an ninh chỉ đơn giản bằng cách ấn bàn tay vào một đầu đọc thẻ.
Heims chia sẻ: "Tôi đã xây dựng một dự án an ninh IT để nâng cao nhận thức và cho thấy các lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát ra vào thông qua sự trợ giúp của chip cấy ghép RFID. Trong video, các bạn có thể thấy chip được cấy và sử dụng như thế nào để mở các cánh cửa. Tôi sở hữu 2 chip ở hai tay, với một chip NFC tần số cao ở tay trái và một chip RFID lập trình tần số thấp ở tay phải.
Tôi đã sử dụng Proxmark3 để lập trình chip RFID cấy ghép trong tay mình. Proxmark là một loại mạch có thể lập trình được. Bạn có thể phát hiện, sao chép và nhân bản chip RFID bằng Proxmark3".
Theo Gabor, anh từng gặp một số vấn đề khi cố gắng cấy ghép chip vào cơ thể. Anh đã không thể tìm được ai giúp mình cấy chip NFC cho tới khi một người bạn làm nghề xăm nghệ thuật đồng ý làm việc đó. Người bạn này chỉ cân xem 2 video trên Youtube và 5 phút để học hỏi kỹ thuật "tiểu phẫu" cho Gabor.
Chàng trai "nửa người, nửa máy" tâm sự rằng, mọi người không bao giờ tin khi anh nói với họ về các con chip, buộc anh phải cho họ chạm tay vào chúng. Khi mọi người biết con chip tí hon đó giống hệt chip NFC trong điện thoại cá nhân, họ thường hỏi anh về cách lợi dụng nó.
"Đó là một bước logic để tôi khám phá các khả năng hiện hữu ngày nay trong việc sáp nhập cơ thể con người và công nghệ. Các thiết bị đeo, cảm biến theo dõi sức khỏe hay kính Google chỉ là những thứ đầu tiên trong nhiều thiết bị mà chúng ta đang mang trên cơ thể mình. Tôi nghĩ, quá trình này sẽ tiến triển cho tới khi chúng ta mang được chúng bên trong cơ thể mình", Gabor nhận định.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)