Mấy tháng trời kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chàng trai 24 tuổi Phạm Ngọc Minh và các chị em của mình chỉ ở yên trong nhà, không dám đi ra ngoài đường. Thế nhưng, ngày 27/8, 4 chị em tá hỏa khi lần lượt có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Cả nhà ngẫm nghĩ mãi không biết nguồn lây từ đâu, trong khi chỉ có em gái Minh xuống nhận đồ từ shipper. Chung cư nhà Minh chỉ có một gia đình bị dương tính.

{keywords}
Phạm Ngọc Minh khuyên người bệnh giữ tinh thần lạc quan, không nên lo lắng, hoảng loạn

Do có dấu hiệu nặng nên Minh và chị gái nhận được thông báo sẽ được đưa đi điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12. Lúc này, cả hai rất hoang mang, lo lắng bởi những đồn thổi trên mạng xã hội ở bệnh viện dã chiến thiếu thốn đồ ăn, nước uống, bác sỹ không quan tâm, khi trở bệnh nặng gọi hoài không ai tới…

Xe tới bệnh viện, Minh và mọi người được bác sỹ thăm khám, hỏi han rồi đưa lên nhận phòng. Khác hoàn toàn với tưởng tượng và mạng xã hội đăng tải, Bệnh viện dã chiến số 12 là một khu chung cư, xung quanh cây cối xanh mướt. Căn phòng của Minh ở có 3 phòng ngủ, 1 phòng khách và 2 nhà vệ sinh, vô cùng rộng rãi và thoáng mát.

{keywords}
Phòng bệnh của Bệnh viện dã chiến số 12 rộng rãi, thoáng mát

Lúc này, hai chị em Minh mới yên tâm, lo lắng cũng vơi đi phần nào. Tuy nhiên, cả hai vẫn thấp thỏm lo, không biết quá trình điều trị có được bác sỹ quan tâm không, thuốc thang, đồ ăn thức uống có được cung cấp đầy đủ không?

8h sáng hôm sau, khi mọi người trong phòng còn chưa dậy hết, Minh đã thấy có người mang đồ ăn sáng lên tận nơi. Ăn xong, vừa nghỉ ngơi một lát đã có nhân viên y tế lên đo SPO2, hỏi thăm tình trạng bệnh của từng người, nếu ai có triệu chứng gì thì sẽ được phát thuốc điều trị triệu chứng đó. Ngoài ra, cả phòng còn được tư vấn sinh hoạt thế nào cho phù hợp để bệnh mau khỏi.

Các bệnh nhân được nhận cơm trưa lúc 12h và bữa tối lúc 18h. “Những phần ăn rất sạch sẽ và vệ sinh như ở nhà. Tám ngày điều trị tại bệnh viện, mỗi bữa là một món ăn khác nhau, mọi người ai cũng thấy ngon miệng. Tới khi khỏi bệnh, được ra viện mình còn không muốn về”, Minh kể.

Minh nỗ lực cho việc tăng cường sức khoẻ, chiến đấu với bệnh. Hàng ngày, Minh vận động nhẹ nhàng, đi tới đi lui trong phòng để lưu thông khí huyết, súc miệng bằng nước muối, uống nhiều nước.

{keywords}
Không gian quanh bệnh viện nhiều cây xanh, thoáng mát

Do ăn uống điều độ, tinh thần thoải mái nên chỉ sau 8 ngày điều trị, Minh đã âm tính dù cậu chưa tiêm mũi vắc xin nào.

“Qua trải nghiệm của bản thân, mình khuyên mọi người phải giữ tinh thần lạc quan, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tuân thủ theo sự hướng dẫn, điều trị của bác sỹ, không nên hoảng loạn hay lo lắng thái quá làm bản thân suy sụp, bệnh tình sẽ nặng lên”, Minh chia sẻ.

Ngoài ra, cậu cũng mách nhỏ, khi ai không may bị dương tính, phải đi cách ly thì nên mang theo bàn chải, kem đánh răng, ấm siêu tốc, móc quần áo, mền, gối, mì gói, bột giặt. Ai có điều kiện thì mang thêm sữa, trái cây để vào nơi chữa bệnh sử dụng.

Sau 10 ngày điều trị, Minh được xuất viện về cách ly tại nhà. Với những trải nghiệm của bản thân, cậu lên nhóm giúp nhau mùa dịch để chia sẻ, đưa ra lời khuyên cho những F0.

Đăng kèm những hình ảnh chụp lại trong phòng bệnh, Minh viết: “Đây là phòng ốc, cơ sở vật chất trong khu mình điều trị, thoáng mát lắm, thật sự vô đây không khí rất mát mẻ, thoải mái lắm luôn. Mọi người có đi cách ly bên này thì an tâm nha.

Trước khi về mọi người nên dành chút thời gian dọn dẹp phòng ốc của mình, lau hoặc rửa phòng bằng nước sôi cho sạch sẽ để cho những người vô điều trị sau mình sử dụng nữa nha”.

>>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Nỗ lực bóc tách F0, thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh ở Sài Gòn

Nỗ lực bóc tách F0, thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh ở Sài Gòn

TP.HCM đang tăng cường xét nghiệm, bóc tách F0, kiểm soát, xử lý người ra đường, đi từng ngõ tuyên truyền, vận động người dân ở yên trong nhà.

Thanh Phương