Năm 2004 anh Lê Hoàng Nhân (sinh năm 1982) ngụ ấp 11A, xã Đông Hưng B, huyện An Minh, Kiên Giang đã tái chế chất liệu vỏ tràm thành những bức tranh đặc sắc. Năm 2019 chàng họa sĩ xứ tràm lại cho ra đời những bức tranh làm từ bẹ chuối, vải jean rất bắt mắt.
Bén duyên từ tranh vỏ tràm
Anh Nhân cho biết, vỏ tràm được phơi khô, bóc tách cẩn thận, kế đến anh tạo mẫu, phác họa đường nét, sau đó lựa chọn sắp xếp vỏ tràm cho phù hợp bố cục tranh. Chất liệu vỏ tràm làm được đa dạng thể loại tranh, từ phong cảnh, quê hương đến chân dung nhân vật.
Đến năm 2010, anh Nhân đã tạo được chỗ đứng và khẳng định tên tuổi của mình trong lòng người mê tranh.
Chưa dừng lại ở đó, khoảng năm 2019 chàng họa sĩ xứ tràm lại khiến nhiều người bất ngờ với tranh bẹ chuối. Anh Nhân cho biết, ngoài cây tràm thì chuối là loại nông sản được trồng nhiều ở Kiên Giang. Thông thường người dân trồng chuối chỉ khai thác hoa lợi như: buồng chuối, bắp chuối, thân chuối, lá chuối… còn bẹ chuối được xếp vào nhóm phế phẩm vì không có giá trị sử dụng.
"Tôi thấy bẹ chuối khá giống với vỏ tràm vì có thể xé dán được nên cách đây 3 năm tôi đã làm thử. Chuối được chọn phải là bẹ chuối khô tự nhiên và sẽ có những gam màu khác nhau, hơn nữa bẹ chuối rất dai và chắc", anh Nhân cho biết.
Cũng theo anh Nhân, công đoạn để chế tác một bức tranh từ bẹ chuối không khó, sau các bước phác thảo, lắp nền, hoàn chỉnh bố cục, chi tiết, lấy nét và đóng khung tranh, tác phẩm tranh từ bẹ chuối cũng dần được hiện ra. Bẹ chuối khô được kết dính bằng lớp keo đã xử lý chống mối mọt, vừa có khả năng chống nước, chống thấm, độ bền mỗi bức dao động từ 20 năm đến 30 năm nếu bảo quản cẩn thận.
Chia sẻ về kỹ thuật làm tranh bẹ chuối, anh Nhân bộc bạch, tranh bẹ chuối khó xử lý hơn so với tranh vỏ tràm. Tranh vỏ tràm khi dán xong nếu bị lỗi có thể xé ra rồi dán chồng lên để làm lại. Tranh bẹ chuối thì bám vào giấy rất chắc nên khi làm phải định vị trước để dán không có sai sót nào. Thường thì trong một ngày anh có thể làm xong một bức tranh, giá bán từ vài trăm đến vài triệu đồng mỗi bức.
Tận dụng cả chất liệu jean
Song song với thời gian làm tranh bẹ chuối, năm 2020 anh Nhân tiếp tục sáng tạo tranh làm từ vải jean. Từ những chiếc quần jean sờn cũ, bạc màu thoáng chốc trở thành những bức tranh lạ mắt khi qua bàn tay của anh Nhân.
"Trước đây tôi từng xem một clip triển lãm tranh của Hàn Quốc, họ dùng quần jean rồi đắp chồng chéo lên nhau tạo thành tranh. Tôi nghĩ nếu sử dụng quần jean như vậy thì tranh vừa dày và tốn chất liệu.
Với sở trường xé dán, tôi quyết định cắt, xé quần jean cũ thành từng mảnh nhỏ rồi ráp chúng lại theo bố cục mình định sẵn. Màu sắc tôi phối theo màu của vải jean như bầu trời mình dùng màu trắng, xanh nhạt còn các gam màu xanh đậm hoặc đen thì mình trang trí nhà cửa, cầu tre…", anh Nhân cho biết.
Tương tự các thể loại tranh trước đó, tranh vải jean được anh Nhân sáng tác theo các chủ đề như phong cảnh làng quê, nông thôn đặc trưng của Nam Bộ hoặc công trình kiến trúc nổi tiếng của Việt Nam.
Đến nay, anh đã làm hơn 1500 bức tranh vỏ tràm, hơn 50 bức tranh bẹ chuối và 30 bức tranh từ vải quần jean cũ. Riêng tranh bẹ chuối và tranh vải jean là mặt hàng tiềm năng được khách hàng nước ngoài yêu thích.
(Theo Dân Trí)