Mike Krumholz, 21 tuổi, chợp mắt 40 phút mà vẫn đeo kính áp tròng. Khi thức dậy, anh thấy mắt phải bị kích ứng và sưng tấy.

Nam sinh người Mỹ nói với Daily Star: “Kính áp tròng khiến tôi cảm thấy ngứa như thể chúng đang bay lơ lửng trong mắt tôi. Tôi đã tháo kính ra sau đó”. 

Tuy nhiên, tình trạng khó chịu không giảm bớt nên hôm sau, Mike đã đi khám. Ban đầu, bác sĩ nhãn khoa chẩn đoán anh nhiễm virus herpes simplex 1. Một tháng sau, mắt của Mike vẫn đau nhức và mờ dần. Anh đi tái khám và được phát hiện bị viêm loét giác mạc do amip sau một loạt xét nghiệm.

Mike Krumholz suy giảm thị lực vì dùng kính áp tròng sai cách. Ảnh: Daily Star

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, đây là dạng nhiễm trùng nghiêm trọng do một loại amip cực nhỏ, sống tự do gây ra. Đó là những sinh vật sống đơn bào thường được tìm thấy trong các vùng nước, đất và không khí. 

Những người đeo kính áp tròng có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, đặc biệt nếu họ không bảo quản và sử dụng kính đúng cách.

Hiện tại, Mike mất thị lực ở mắt phải. Anh chỉ còn nhìn thấy những chấm đen và xám giống như màn hình nhiễu của tivi. Anh tâm sự: “Tôi không thể diễn tả được nỗi đau này, giống như những cú sốc liên tục. Tôi khá tự hào về khả năng chịu đau của mình nhưng tôi đã hét lên trong đau đớn”. 

Mike hiện không đủ điều kiện sức khỏe để ghép mắt. “Mắt tôi bị viêm đến mức không thể lấy mô từ mắt khác, cơ thể tôi sẽ không chấp nhận”, anh giải thích. 

Theo CDC Mỹ, viêm giác mạc do amip có thể dẫn đến suy giảm thị lực vĩnh viễn. Các triệu chứng bao gồm mắt đau, đỏ, mờ, cộm, nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt nhiều.

Việc học hành của Mike bị gián đoạn do anh phải điều trị liên tục để giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bệnh. Chàng trai cảnh báo mọi người không nên đeo kính áp tròng khi ngủ. 

Nhiều người đeo kính áp tròng nhưng không nắm hết các quy tắc an toàn. Ảnh minh họa: Healthnews

Các yếu tố rủi ro phổ biến với những người đeo kính áp tròng: 

- Sử dụng lại kính dùng một lần

- Khử trùng kính không đúng cách (bằng nước máy hoặc dung dịch không rõ nguồn gốc)

- Tái sử dụng dung dịch ngâm kính cũ

- Đeo kính khi bơi lội, tắm, sử dụng bồn tắm

- Mắt tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm

- Đeo khi bị đau mắt 

- Dùng chung kính với người khác.