Tốt nghiệp đại học, Vũ Minh Ngọc (sinh năm 1991) đã tìm được việc làm ở Hà Nội, với mức lương khá cao, nhưng với sự năng động của tuổi trẻ, cùng niềm đam mê với nghề truyền thống được bồi đắp từ bé, Ngọc lại quyết định về quê tại xóm Phú Nội, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định để khởi nghiệp từ nghề làm giấm truyền thống thông qua việc thành lập Công ty TNHH Nông sản Cô Tâm, với thương hiệu giấm Cô Tâm. Đến cuối năm 2022, Ngọc thành lập HTX Thanh niên Bách Cốc tại xóm Phú Nội, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định với 7 thành viên, do anh làm giám đốc.
Khi được hỏi tại sao từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước để về quê lập nghiệp với nghề truyền thống, Vũ Minh Ngọc chia sẻ: “Ngày tôi đang học đại học, một lần về nhà chơi, vô tình tôi được nghe câu chuyện của một chị làm nem ở thành phố Nam Định vào lấy giấm. Chị có kể rằng, chính nhờ giấm của gia đình tôi đã làm nên thương hiệu nem của gia đình chị. Và từ đó, tôi luôn ấp ủ ước mơ phát triển nghề làm giấm truyền thống của gia đình trở thành thương hiệu được thị trường biết đến”.
Sản phẩm giấm truyền thống của HTX Thanh niên Bách Cốc được làm từ nguyên liệu chính là mơ, nước trà xanh và đường phèn. Trước đây, để làm giấm, mẹ của Ngọc sẽ thu mua lá chè của những người dân trong làng rồi đem nấu lấy nước. Tuy nhiên, chất lượng chè sẽ không được đồng đều, do đó màu của sản phẩm cũng không được bắt mắt. Đây là điều Ngọc trăn trở. Khi quay về quê hương, chàng trai trẻ này đã bắt tay vào tìm kiếm vùng nguyên liệu để làm sao chuẩn hóa được sản phẩm giấm của mình. Nhận thấy khu vực Phủ Dầy, thuộc huyện Vụ Bản có chất đất đồi, phù hợp cho cây chè sinh trưởng phát triển, người dân ở đây cũng trồng một lượng lớn chè để phục vụ nhu cầu cho địa phương. Ngọc đã tìm hiểu và đặt vấn đề phát triển vùng chè theo hướng hữu cơ với mong muốn tạo ra những sản phẩm giấm an toàn, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Hiện tại, mỗi tháng Ngọc tiêu thụ 4 đến 5 tạ chè cho người dân huyện Vụ Bản, tạo thu nhập ổn định cho người dân trồng chè ở đây.
Một trong những bí quyết để lên men tự nhiên cho giấm cổ truyền mà không phải sử dụng phụ gia công nghiệp là những lọ mơ được ngâm ủ lâu năm. Vào mùa mơ, Ngọc sẽ đặt riêng những hộ nông dân ở Mộc Châu để thu mua những trái mơ đủ điều kiện làm giấm, sau đó ngâm đường thô, mật mía trong vòng ít nhất 3 năm rồi mới chắt thứ nước mơ đó ra để kết hợp với giấm. Đó chính là thứ bí quyết khiến sản phẩm giấm mơ của Ngọc luôn hút khách. Đồng thời, Ngọc đã khắc phục được nước giấm bị vẩn đục nhờ học hỏi những phương pháp, kỹ thuật từ Nhật Bản và Ý.
Vừa trực tiếp sản xuất, Vũ Minh Ngọc còn mang sản phẩm đến các cửa hàng thực phẩm sạch, hoa quả sạch ở hầu khắp các tỉnh, thành phố để giới thiệu hàng và học thêm kinh nghiệm bán hàng, xây dựng chuỗi cung ứng cho sản phẩm. Chưa dừng lại ở đó, từ quả mơ rừng Tây Bắc và công thức ngâm ủ gia truyền, Ngọc đã nghiên cứu và đang chế tạo ra một số sản phẩm từ mơ, như nước cốt mơ, mơ muối, rượu mơ. Sau 4 năm nghiên cứu, xây dựng, ổn định sản xuất và phát triển thương hiệu, các sản phẩm từ giấm của anh đã và đang được khách hàng đánh giá cao.
Hiện mỗi tháng, HTX của Ngọc đưa ra thị trường khoảng 2000 lít giấm, lợi nhuận thu về từ 35 đến 40 triệu đồng/tháng. Sản phẩm giấm mơ trà xanh Cô Tâm đã có mặt tại chuỗi cửa hàng thuộc Hiệp hội Nông nghiệp sạch của tỉnh, các cửa hàng thực phẩm sạch, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Ngoài ra, sản phẩm còn được giới thiệu, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Tình yêu với ngôi làng cổ Bách Cốc và sự kế thừa nghề truyền thống của gia đình là động lực giúp Vũ Minh Ngọc xây dựng thương hiệu giấm mơ trà xanh gắn với làng cổ Bách Cốc. Trong thời gian tới, để chuẩn hóa quy trình làm giấm, Ngọc dự định sẽ tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất, từ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển các giá trị gia tăng cho sản phẩm và thương hiệu thông qua công nghệ và hình thức thương mại điện tử, mang thương hiệu được đi xa hơn.
Với những nỗ lực nghiên cứu sản phẩm giấm mơ trà xanh, Vũ Minh Ngọc đã đoạt giải ba tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức và là một trong 57 nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc năm 2021, được trao Giải thưởng Lương Định Của.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII vừa qua, Ngọc được Trung ương Đoàn trao tặng huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.