Với tham vọng sản xuất được những chiếc xe đạp Việt Nam, lăn bánh khắp nơi, cho cả thế giới biết “người Việt cũng có thể làm được”, Lê Hoàng Long và Phạm Minh Trí là những Startup có hướng đi riêng và đang dần khẳng định mình.

Từ lòng tự ái tới bỏ làm ở công ty ô tô Đức

Tự ái với câu nói “người Việt không làm được cái gì” khiến Lê Hoàng Long, Giám đốc điều hành Pega càng quyết tâm làm bằng được chiếc xe đạp điện thương hiệu Việt. Thất bại từ kinh doanh công nghệ, chàng trai tốt nghiệp Đại học Bách Khoa có ngã rẽ mới là xe đạp điện.

Long chia sẻ, khó khăn lớn nhất với một doanh nghiệp trẻ là khi tiếp cận các đối tác đều không nhận được sự tin tưởng.

“Thậm chí, không ít lần chúng tôi bị chính những người anh em Việt 'xua đuổi', bởi họ cho rằng chúng tôi thật nhỏ bé và mơ ước của chúng tôi là quá viển vông. Nhưng cũng chính việc bị coi thường đó càng cho chúng tôi thêm động lực để cố gắng, để khẳng định rằng chúng tôi hoàn toàn có thể làm được”, Long chia sẻ.

{keywords}

Chàng trai tốt nghiệp Đại học Bách Khoa có ngã rẽ mới là xe đạp điện

Long bắt đầu nghĩ tới việc tự sản xuất xe đạp, thay vì thiết kế xong rồi chuyển ra nước ngoài làm như trước đây. Long tuyển dụng một đội ngũ nhân sự từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và phát triển mạng lưới kinh doanh, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Cộng sự của Long đều là những người trẻ, đầy nhiệt huyết và đam mê.

Nhờ sự kiên trì cũng như quyết tâm của mình, Long đã hợp tác được với nhiều đối tác lớn, như của Đức về cung cấp thiết bị, phụ tùng hay của Pháp về phân phối những chiếc xe đạp điện đầu tiên ở thị trường nước ngoài.

“Đầu năm nay, chúng tôi sẽ cho ra mắt sản phẩm made in Việt Nam đầu tiên, cuối 2017, 50% sản phẩm xe điện của chúng tôi sẽ được nội địa hoá và đến năm 2018 là 70%”, Long quả quyết.

Đang làm việc tại một công ty chuyên thiết kế ô tô tại Stuttgart (Đức), Phạm Minh Trí cũng bỏ về nước tìm hướng đi cho riêng mình, thử sức với những chiếc xe đạp bằng tre.

Ý tưởng thiết kế khung xe đạp tre xuất phát từ năm 2009, khi anh tham gia một hội thảo tại Đức. Tính năng dẻo dai, bền bỉ của thân cây tre có thể tận dụng tốt để làm khung xe đạp, chỉ cần gia công thêm một số chi tiết mối nối thì có thể sản đưa vào vận hành như chiếc xe đạp làm bằng nhôm, sắt,...

{keywords}

Chàng kỹ sư và ý tưởng khởi nghiệp với xe đạp tre

Thực ra, xe đạp tre đã khá phổ biến trên thế giới, nhưng nhiều người Việt vẫn tin rằng, đây là sản phẩm đậm nét thủ công mỹ nghệ hơn là một chiếc xe đạp bình thường. Anh Trí đang muốn thay đổi điều này. “Tôi làm xe đạp, chứ không phải làm xe thủ công mỹ nghệ”, anh nói.

Trí cho biết thêm, không chỉ là sản phẩm thân thiện môi trường, xe đạp tre phải được trau chuốt tỉ mỉ, có nhiều kiểu dáng để chọn lựa, tính thẩm mỹ cao và đặc biệt phải an toàn. Tỉ suất lợi nhuận của ngành xe đạp truyền thống là khoảng 15-20%. Trong khi đó, xe đạp tre mang “mác” thủ công mỹ nghệ có tỷ suất sinh lợi lớn hơn nhiều.

Do làm chủ yếu bằng thủ công nên giá thành loại xe đạp này khá cao so với xe làm bằng khung sắt. Mỗi chiếc xe đạp tre của anh Trí giá từ 450 đến 1.500 USD, tùy từng dòng sản phẩm và phụ tùng đi kèm. Tuy nhiên, mức giá này chỉ bằng 1/2 đến 1/3 trên thế giới với cùng chất lượng sản phẩm.

Tham vọng chinh phục biển lớn

Sau 4 năm, từ một showroom nhỏ, đến nay doanh nghiệp của Long đã có đến 230 showroom bán hàng độc quyền và 500 điểm bán trên cả nước. Đơn vị này cũng đang xây dựng nhà máy lắp ráp rộng 15.000m2 tại Bắc Giang, với máy móc và công nghệ hiện đại, công suất thiết kế đạt 40.000 xe/tháng.

Những chiếc xe đạp điện của Long còn được ứng dụng công nghệ thông minh, có thể kết nối với điện thoại, điều khiển từ xa. Và mới đây, Long cho ra đời chiếc xe có khả năng chạy trong điều kiện ngập nước.

Gần đây nhất, một đơn vị của Pháp đã đặt hàng 100 chiếc xe điện, dù lỗ nhưng Long vẫn thực hiện để quyết tâm đưa những chiếc xe điện thương hiệu Việt Nam ra thế giới.

Để bán được hàng, anh Trí lại đưa xe đạp tre ra nước ngoài tiêu thụ trước, thay vì chọn thị trường trong nước làm chủ lực. Hầu hết xe đạp khung tre được anh xuất khẩu sang Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Australia, Nhật,...

Năm 2015, anh đã bán được hơn 40 chiếc, trong đó một nửa là khách du lịch đến Việt Nam đặt mua, còn lại xuất khẩu cho các đối tác. Anh Trí cho hay, một vài đối tác đang liên hệ để được cung cấp khung xe với số lượng lớn.

{keywords}
Xe đạp tre được nhiều thị trường khó tính vẫn đánh giá cao

Ngoài ra, anh Trí còn cho ra mắt xe đạp fatbike 3 bánh bằng tre đầu tiên trên thế giới. Xe này nhằm để sử dụng tại các vùng có tuyết hoặc cát dày. Lốp xe to tạo diện tích và lực bám đường lớn, chống trượt. Đó mới chỉ là phiên bản thử nghiệm. Xe chó kéo bằng tre cũng được thử nghiệm trong dịp này. Đây là loại xe thường được sử dụng tại các vùng quê ở Mỹ và Úc.

Nhận định về cơ hội phát triển dòng xe đạp thương hiệu Việt, cả Long và Trí đều cho rằng tiềm năng còn rất lớn. Họ có đủ tự tin. Để thực hiện tham vọng đưa xe đạp thương hiệu Việt ra toàn cầu, Long đã có quyết định táo bạo là đổi tên thương hiệu. Đây được xem là một quyết định khá liều lĩnh, đặc biệt, khi thương hiệu đã trở nên gần gũi với người tiêu dùng Việt Nam. 

Long tự tin: “Chúng tôi có thể trở thành công ty triệu đô, nhưng để trở thành thương hiệu toàn cầu tỷ đô thì cần một cái tên phù hợp. Liều lĩnh và mạo hiểm để tạo ra đột phá mang tính toàn cầu là điều cần phải làm”.

Còn  Phạm Minh Trí chia sẻ: “Thị trường trong nước hầu như chưa chấp nhập loại xe này, thị trường nước ngoài vẫn còn nhỏ lẻ. Nhưng quan trọng nhất với tôi là cách thức truyền niềm tin cho người sử dụng”.

Duy Anh