- Mắng chửi học trò là căn bệnh âm ỉ trong môi trường học đường từ lâu.
Từ chửi âm thầm đến… ầm ĩ
Cho đến giờ, sau rất nhiều năm, chị Hằng Hoa vẫn không thể quên cô giáo dạy môn Hoá năm học lớp 11.
Cô có tiếng là một giáo viên dạy giỏi của trường, nên cả lớp khá háo hức chờ cô trong buổi học đầu tiên. Nhưng sự háo hức này nhanh chóng được thay thế bằng sự choáng váng, khi ngồi xuống ghế là cô cho một tràng dạy dỗ "các anh Chí Phèo, các chị Thị Nở" - cách cô gọi học sinh suốt sau này.
Cô lấy sổ đầu bài, dò danh sách học sinh, chọn bạn nữ có cái tên đẹp và kêu nhất lớp đứng dậy cho cô xem mặt, rồi cô chê bạn xấu, không xứng đáng với cái tên bố mẹ đặt cho… “Dạo đó, bọn mình rất ức với cách cô gọi đám con gái là Thị Nở, nhưng chẳng ai dám lên tiếng”.
Hình ảnh không đẹp, nhưng không hiếm, xuất hiện trong trường học |
Chị Mai Linh thì không quên một kiểu gây ức chế khác mà giáo viên dạy văn năm lớp 10 gây ra. “Kiểm tra đầu năm học cả lớp sốc nặng khi điểm văn từ 5 trở xuống. Mà chỉ có một bạn được điểm 5 – là bạn từng đi thi học sinh giỏi văn quốc gia năm lớp 9, còn lại đì đẹt 2, 3, 4 trong khi đầu vào của lớp không hề thấp. Giờ học của thầy thường mất một ít thời gian để thầy tự trào về bản thân – lúc đầu vui tai nhưng sau chúng tôi chán. Nhưng chán nhất là thầy rất hay chê bai, bôi bác học sinh đủ kiểu, nhất là học sinh nữ. Nào là so sánh con gái lớp này duyên lặn vào trong, con gái lớp kia duyên văng ra ngoài…”.
Đó là những trường hợp bị ăn chửi nhưng chỉ được ghi lại trong… trí nhớ. Còn gần đây, bị “bêu” lên mạng có hai vụ tiêu biểu, một ở Hải Phòng và một ở Hà Nội.
Thầy giáo một trường ngoài công lập ở Hà Nội vừa tát vửa chửi học sinh "Nhà vô phúc có cái loại mày" “Tao dạy mày như thế mà mày vẫn không mở mặt mày ra à…”, “Quân mất dạy này”… bị học sinh quay clip đưa lên mạng đầu năm trước. Thầy này sau đó được hiệu trưởng nhà trường nhận xét là “Có chuyên môn khá tốt trong tổ hóa học và được học sinh quý mến. Học sinh “mê” thầy lắm…”.
Trường THPT Trần Phú (Hải Phòng) cũng từng nổi đình đám với clip cô giáo Tiếng Anh “chửi” học sinh trong… 18 phút.
Mới tháng 5 vừa qua, một cuộc tọa đàm “Ứng xử học đường – Nhìn từ phía thầy cô” đã diễn ra tại TP.HCM.
Những nhà giáo dục tham gia buổi toạ đàm xót xa thừa nhận rằng tình trạng thầy bạo hành học trò với nhiều hình thức về tinh thần, thể chất không hiếm, nếu không muốn nói là phổ biến.
Muôn hình vạn trạng hình thức bạo hành tinh thần, thể chất của trò được giáo viên áp dụng như mắng nhiếc, đánh, phạt, ép học trò phải nói dối, kỳ thị… và đau lòng nhất là không ít giáo viên xem việc đánh, nhục mạ học sinh là chuyện bình thường, thậm chí là cần thiết.
“Cái sai tồn tại trở thành điều đương nhiên là điều đáng sợ nhất”, ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (ĐH Sư phạm TPHCM) lo ngại.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM) đã phải thốt lên: “Bây giờ nhiều giáo viên như “hung thần”. Các em phải hứng chịu toàn bộ áp lực tâm lý từ thầy cô”.
Khi người thầy nhầm lẫn “quyền lực” với “quyền uy”
Theo ThS Phạm Phúc Thịnh, sĩ số lớp, chương trình, thành tích và cuộc sống luôn đặt giáo viên trong tình trạng phải hoàn thành mọi việc trong thời gian ngắn nhất có thể. Áp lực đó, họ đâu biết xả vào ai ngoài… học sinh đã tác động đến tương quan thầy trò không còn thân thiện, nếu không muốn nói là trở nên căng thẳng, đối đầu.
Hiện tượng này cũng khiến chúng ta băn khoăn rằng ở trường sư phạm, giáo viên đã được chuẩn bị hành trang cho nghề nghiệp như thế nào về tâm hồn, tâm lý, đạo đức, kỹ năng? Dường như, nhiều giáo viên đang thiếu đi cảm xúc đẹp, đang mất kiên nhẫn với chính nghề nghiệp và học trò của mình.
Ảnh minh họa từ Internet |
Một giáo viên tiểu học chia sẻ: “Tất nhiên, khi học đại học chúng tôi có được học những môn như tâm lý, kỹ năng sư phạm. Tuy nhiên, khi đi làm, nhịp độ công việc cùng hàng trăm thứ liên quan khiến công việc chỉ còn là… công việc. Nhiều khi, tôi giảng bài như cái máy, mà máy thì làm gì có cảm xúc nữa. Cái gọi là tình yêu với công việc đã trở nên khá xa xôi, xa như cái ngày chúng tôi mới bước chân vào trường sư phạm với nhiều điều mơ mộng tự tô vẽ cho nghề”.
Trong một bài viết có tiêu đề “Khi người thầy nhầm lẫn “quyền lực” với “quyền uy””, anh Nguyễn Quốc Vương - hiện đang là Nghiên cứu sinh tại Nhật Bản – có chia sẻ góc nhìn của nhà giáo dục học người Nhật Tanaka Yoshitaka, người đã có ba năm (2004 - 2007) làm việc ở Việt Nam trong vai trò cố vấn giáo dục.
Theo đó, trong cuốn “Cải cách giáo dục ở Việt Nam: Liệu đã thực hiện được phương châm coi trẻ em là trung tâm?”, do Akashi Shoten ấn hành năm 2008, Tanaka đã phác thảo lại bộ mặt giáo dục Việt Nam và đề cập đến nạn giáo viên bạo hành học sinh.
Theo ông một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng giáo viên bạo hành học sinh là “sự ngộ nhận giữa quyền lực và quyền uy”.
Ông dẫn lại luận điểm của nhà nghiên cứu Okada khi giải thích thế nào là “quyền lực” và “quyền uy” cũng như sự khác biệt giữa chúng. Quan điểm của Okada cho rằng “quyền uy” của người thầy đối với học sinh là việc cho dù người thầy có ý đồ hay không có ý đồ đối với những lời nói, hành động của mình thì học trò vẫn lắng nghe và có thái độ vâng lời. Tuy nhiên ông cũng chỉ rõ không phải người thầy nào cũng có được “quyền uy” và quan trọng hơn là không phải cứ ai làm thầy là có nó.
Tóm lại “quyền uy” là thứ mà học sinh tự nguyện tạo ra rồi trao cho người giáo viên và như thế người đựợc trao “quyền uy” là người thầy mà xét ở một số phương diện ít nhất phải có những đặc tính ưu tú về tài năng và nhân cách. Với ý nghĩa này thì cả Tanaka và Okada đều chủ trương hình ảnh người giáo viên “quyền uy” là hình ảnh đáng trân trọng và nên xây dựng.
Tương phản với “quyền uy” là “quyền lực”. Nếu như “quyền uy” là quà tặng tự nguyện của học sinh cho người thầy, thì quyền lực là thứ mà bản thân người giáo viên có thể đơn phương quyết định.
Theo kết quả quan sát và phân tích của Tanaka thì những giáo viên “quyền lực” là những kẻ không hề chú ý đến người xung quanh nhìn mình là người như thế nào? Đánh giá mình như thế nào? Họ coi hành động, lời nói của mình là tuyệt đối và duy nhất đúng. Họ cũng luôn có tham vọng ép người khác phải tuân lệnh. Trong trường hợp người khác không nghe theo, họ sẽ dùng sức mạnh để cưỡng ép.
Chính vì thế theo Tanaka, khi xây dựng một nền giáo dục lành mạnh thực sự vì con người, vì tương lai của xã hội cũng như của nhân loại thì người giáo viên “quyền lực” là thứ không một ai có lương tâm mong muốn.
Theo lô-gíc đó, một nền giáo dục đầy rẫy những giáo viên “quyền lực” sẽ không bao giờ sinh ra những thế hệ học sinh có tư duy độc lập, có lòng dũng cảm và luôn biết làm người tự do.
Tanaka cho rằng nền giáo dục Việt Nam trong tương lai phải là nền giáo dục có nhiều người thầy “quyền uy” thay cho những người thầy “quyền lực”.
Ái Thủy