Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy, hóa chất phthalate được sử dụng trong sản xuất dầu gội đầu có thể là thủ phạm gây vô sinh ở nhiều cặp vợ chồng. Vì chất này có thể khiến nữ giới bị bệnh lạc nội mạc tử cung - một căn bệnh phổ biến gây vô sinh ở nữ. Còn ở nam giới, chất này làm giảm hàm lượng testosterone khiến chất lượng tinh trùng kém đi.

TIN BÀI KHÁC:

Giữ mùi hương và làm mượt tóc

PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết, những hóa chất có nhân chung phthalate gồm nhiều chất như DOP (Dioctyl Phthalate), DEP (Diethyl phthalate), DBP (Dibutyl Phthalate), DEHP (Diethylhexyl Phthalate)... Các hóa chất này được sử dụng chủ yếu trong công nghệ chế biến nhựa, dùng làm chất hóa dẻo cho các bao bì nhựa như chai, can, túi, bao, gói, đầu núm vú, bình sữa, đồ chơi trẻ em... Vì thế, trong quá trình sử dụng, các dẫn chất phthalate ít nhiều thôi ra và theo đường tiêu hóa vào cơ thể con người.

Người tiêu dùng hạn chế sử dụng các mỹ phẩm có mùi thơm từ hóa chất tổng hợp.

Ngoài ra, phthalate còn được dùng trong sản xuất các sản phẩm tạo hương như nước hoa, nến thơm, xà phòng giặt, xà phòng bánh, dầu gội, nước xịt tóc, nước hoa toàn thân, chất khử mùi... Đối với dầu gội đầu, phthalate được dùng với tác dụng tạo và lưu giữ hương thơm và làm mềm, mượt tóc. Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt tác dụng, mặt khác dầu gội có chứa phthalate tác động lên da đầu có thể làm mềm da, kích thích nở da, khiến tăng quá trình rụng tóc.

Theo PGS.TS Phạm Gia Điền, sử dụng phthalate phải có những nguyên tắc nhất định. Tuyệt đối không sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm và bao bì thực phẩm; Không sử dụng trong các sản phẩm tiếp xúc với da bởi chất này "xâm nhập da rất kinh" và thẩm thấu qua da vào cơ thể gây những ảnh hưởng bất lợi cho sức khoẻ. Ngay cả trong ngành chế biến nhựa hay hóa dẻo, chất này được phép sử dụng nhưng cũng phải có hàm lượng nhất định, trong ngưỡng cho phép.

Gây rối loạn hormon giới tính

Theo TS.BS Trần Bá Thoại, chuyên khoa Nội tiết - Sinh hóa y học, Bệnh viện Hoàng Mỹ Đà Nẵng, các dẫn xuất phthalate được xác định là các xenoestrogen - những chất có cấu trúc tương tự, có tác dụng giống như oestrogen (hormon sinh dục nữ) được đưa từ bên ngoài đưa vào cơ thể. Trong cơ thể người, cả nam và nữ giới, đều tồn tại cả hai hormon sinh dục là oestrogen và testosterone (hormon sinh dục nam). Cơ thể nữ vẫn sản xuất testosterone và cơ thể nam vẫn tiết ra oestrogen với hàm lượng nhỏ. Cả hai loại hormon này đều tham gia vào quá trình điều khiển các chức năng trong cơ thể con người.

Các xenoestrogen ngoại lai không chỉ ảnh hưởng đến oestrogen mà còn ảnh hưởng chung đến cả hệ thống sinh dục, giới tính chung của cơ thể, làm rối loạn nội tiết, cụ thể là làm rối loạn hệ thống hormon giới tính và gây ra dậy thì trước tuổi ở cả bé gái lẫn trai. Chẳng hạn, ở bé gái, khi cơ thể chưa dậy thì nhưng bị tác động của một lượng lớn dẫn xuất phthalate, các xenoestrogen ngoại lai này sẽ kích hoạt vùng dưới đồi và tuyến yên tiết ra các hormon hướng dục "đánh thức" buồng trứng làm việc và gây ra dậy thì sớm.

Nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc cho thấy, các phthalate làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung cũng như ung thư vú ở phụ nữ. Những nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy, các xenoestrogens làm rối loạn giai đoạn sinh tinh trùng, khiến cả số lượng lẫn hoạt động của tinh trùng đều giảm thấp.

TS.BS Trần Bá Thoại cũng cho biết, vì tác hại của các dẫn chất phthalate, nên hiện nay Nghị viện châu Âu không cho phép dùng DBP, DEHP có trong đồ chơi trẻ em và cả mỹ phẩm. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng hãy cố gắng hạn chế sử dụng các mỹ phẩm có mùi thơm từ hóa chất tổng hợp mà nên chọn dùng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Đối với bao bì thực phẩm bằng nhựa, chất dẻo nên hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ cao để tránh nguy cơ thôi nhiễm hóa chất độc hại này.

Chất phthalate tồn tại khắp nơi trong môi trường. Tuy nhiên, những nguồn chứa chất phthalate phổ biến nhất mà chúng ta có thể tránh hoặc hạn chế tiếp xúc, đó là các sản phẩm nhựa vinyl, hộp nhựa chứa thức ăn, bao bì thực phẩm tráng nhựa hoặc bằng chất hóa dẻo, hóa mỹ phẩm tạo mùi hương... Ngoài ra, các loại chảo không dính, thuốc trừ sâu cũng là nguồn chứa phthalate phổ biến. Nguy hại hơn, một số cơ sở sản xuất thậm chí còn dùng DEHP làm chất tạo đục cho thực phẩm, và như thế nguy cơ nhiễm độc gấp cả trăm lần.

(Theo Bee)