Chưa bao giờ giá xe hơi giảm nhanh như các tháng gần đây, đặc biệt những dòng xe phân khúc hạng B và C đang giảm cực mạnh. Viễn cảnh này đã và đang khiến thị trường xe cũ chao đảo, khốn khổ nhất là những người đang sử dụng xe sang đời cũ muốn bán nhưng bị ép giá, khiến họ "bỏ thì thương, vương thì tội".

Chị Huyền Thanh, đang sở hữu dòng xe sang hiệu Mercedes đời 2003, dù muốn đổi xe nhưng hơn 6 tháng rao bán bất thành, chị vẫn dùng chiếc xe mà theo chị càng ngày chi phí cho xe càng lớn.

{keywords}

Có nhu cầu bán nhưng những loại xe sang hiện bị các đại lý, showroom ô tô "ngại" mua vì khó bán (ảnh minh hoạ)

"Tắc đường liên tục di chuyển với tốc độ chậm nên lượng xăng tiêu thụ quá lớn, vượt chi phí của cá nhân khiến mình có nhu cầu bán xe. Tuy nhiên, nhiều đại lý xe một là trả giá quá thấp, hai là không mua vì khó bán xe. Nhờ anh em bạn bè giới thiệu cũng ít người quan tâm", chị Thanh cho biết.

Giống như chị Thanh, ông Xuân Quang (Cổ Nhuế, Hà Nội) cũng sở hữu xe sang 7 chỗ hiệu Lexus, do nhu cầu muốn đổi xe, nhưng chưa bán được giá. Theo ông này, mặc dù dòng SUV của xe sang, loại mới cùng phân khúc, thương hiệu giá cao hơn so với thời điểm khi thuế tiêu thụ đặc biệt chưa điều chỉnh, tuy nhiên, thị trường đang có nhiều lựa chọn của các hãng xe, chủng loại xe nên xe cũ đời 2015 rất khó bán.

Ông Quang cho biết, hiện ông đang tính đến phương án cho doanh nghiệp ngoại thuê lại nếu bán không được giá.

Theo chia sẻ của một số đại lý chuyên bán xe cũ, việc nhập xe vẫn diễn ra bình thường, có đôi chút trở ngại đối với các dòng xe sang bởi vì nó được định giá cao, nên chủ không muốn giảm giá, trong khi đó, nếu "ôm" những chiếc xe này lại khó "đẩy" đi.

Trên thực tế, tại phố xe ở Hà Nội như Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy) các dòng xe sang loại cũ của các showroom vẫn được trưng bày rất nhiều dòng xe sang của Mercedes, BMW, Range Rover, Audi hay Lexus...

"Thời điểm hiện nay "đẩy" xe sang khá khó, chủ yếu bán được là do mối quen biết là chính hoặc bán theo chuyển nhượng giữa đại lý với nhau. Khách vãng lai rất ít và không xuống tiền. Nếu tiếp tục ôm xe, có thể lỗ nặng", ông Minh, chủ cửa hàng ô tô trên phố Nguyễn Văn Cừ cho biết

Theo nhiều người dùng và am hiểu về xe, thời điểm hiện nay tiêu chí mua và sở hữu xe hơi tại Việt Nam là: rẻ, tiết kiệm, an toàn và phù hợp với túi tiền... trong đó, tiêu chí phù hợp với túi tiền, nuôi xe dễ là quan trọng hàng đầu của người dân đô thị.

Chính vì thế, khách có xu hướng chọn những xe có dung tích xi lanh thấp, tiêu thụ nhiên liệu ít để giảm chi phí nuôi xe. Đặc biệt, với bối cảnh Hà Nội luôn tắc đường giờ cao điểm, xe di chuyển trung bình chỉ từ 20km - dưới 40km/h, mức tiêu thụ của các dòng xe sang từ 12 lít xăng/100 km đang làm nản lòng nhiều người sở hữu xe. Bên cạnh chi phí về xăng, sửa chữa bảo hành xe tốn kém khiến người quyết định bỏ tiền lo ngại xe sang dù biết rất đẹp, tiêu chuẩn cao.

"Mặc dù không ai phủ nhận chất lượng tốt của các dòng xe sang, nhưng đời xe thấp từ năm 2000, nên đã đến thời sửa chữa lớn. Đặc biệt các ứng dụng hiện đại (đồ chơi của xe) không có nhiều như các xe mới hiện nay nên nếu phải bỏ ra bằng giá tiền từ 600 - 800 triệu đồng mua xe cũ, rất nhiều người quyết định mua xe mới hoàn toàn để được hưởng các chính sách bán hàng, khuyến mại đang ngày một nhiều...", anh Hùng, một lái xe tại Hà Nội phân tích.

Theo anh Hưởng (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội): "Những người sở hữu xe sang chủ yếu là đối tượng có tiền. Họ mua xe để dùng, để ngoại giao, để thỏa mãn sở thích cá nhân và thực sự xe sang rất ít hỏng vặt. Những người muốn bán xe cũ của mình chủ yếu là không còn thích, xe được mua lại hoặc vì nguyên nhân nào đó chứ không phải là quá khó khăn, hết tiền mà muốn bán xe. Chính vì thế, gấp lắm họ mới bán xe và chịu mất giá rất lớn".

(Theo Dân trí)