Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) tập trung thực hiện các dự án, tiểu dự án đảm bảo đúng tiến độ, hỗ trợ cải thiện tích cực đời sống của người dân hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Đầu năm 2024, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) chỉ còn 678 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,45%), dự kiến trong năm nay, huyện sẽ tiếp tục giảm số hộ nghèo thêm khoảng 1%, tương đương 270 hộ.

Chăm lo dinh dưỡng cho bà mẹ đang mang thai, trẻ nhỏ dưới 16 tuổi

Với tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 "Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng", huyện xác định rõ mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng, can thiệp phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bảo vệ chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi).

Theo báo cáo của UBND huyện, tổng kinh phí giao giai đoạn 2023 – 2024 thực hiện tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 là 565 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã triển khai tập huấn cho cộng tác viên 5 xã, thị trấn; triển khai điều tra, khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. 

Cùng đó, huyện in biểu đồ tăng trưởng, sổ tay cộng tác viên, sổ quản lý phụ nữ mang thai, tờ bướm 1000 ngày vàng cấp cho 8 trạm y tế xã, thị trấn. Trang thiết bị (cân điện tử, thước đo chiều cao, bộ dụng cụ thực hành dinh dưỡng) cũng được mua sắm để phân bổ cho 8 trạm y tế xã, thị trấn nhằm phục vụ công tác cân, đo cho trẻ.

Ngoài ra, thuốc tẩy giun, sữa được cấp cho trẻ 2 tuổi đến 5 tuổi, viên sắt cấp cho bé gái 12 tuổi đến 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo. Hoạt động truyền thông – thực hành dinh dưỡng, nói chuyện chuyên đề về dinh dưỡng cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi, người nhà trực tiếp chăm sóc trẻ được triển khai tại 8 xã, thị trấn. Hoạt động truyền thông giáo dục kiến thức, thực hành dinh dưỡng được triển khai với nhiều hình thức phong phú và nội dung đa dạng, lồng ghép với các chương trình dinh dưỡng đang được triển khai tại cộng đồng. 

Chăm lo sinh kế, việc làm cho người dân

Bên cạnh việc chăm lo về y tế, dinh dưỡng cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, huyện Châu Thành chú trọng thực hiện các dự án, tiểu dự án với các mô hình giảm nghèo tác động trực tiếp đến đời sống của nhóm đối tượng này.

Thực hiện Dự án 2 Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong 2 năm nay, huyện được giao tổng kinh phí là hơn 4,27 tỷ đồng. 15 mô hình được thực hiện gồm 13 mô hình chăn nuôi bò sinh sản, 1 mô hình nuôi cá lóc (cá quả) trong vèo, 1 mô hình nuôi gà với 115 hộ tham gia. 

W-A10 MÙI THI HỒNG DT MUONG XA QUY HUONG_1249.jpg
Nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại huyện Châu Thành được tham gia mô hình nuôi bò sinh sản.

Với tiểu dự án 1 Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Dự án 3, 7 mô hình được thực hiện, gồm 5 mô hình chăn nuôi bò sinh sản, 1 mô hình nuôi cá lóc trong vèo, 1 mô hình nuôi gà. Tổng cộng có 59 hộ tham gia 5 mô hình, trong đó có 48 hộ được hỗ trợ kinh phí là những hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; số còn lại là đại diện cộng đồng có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi.

Theo đánh giá, các mô hình, dự án đã hỗ trợ đầu tư giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia có kế hoạch, phương án phát triển kinh tế hộ, tạo thu nhập cho gia đình, cải thiện cuộc sống từng bước thoát nghèo bền vững. Đồng thời, các dự án góp phần thực hiện thành công công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương.

Tại xã An Ninh, huyện Châu Thành, đầu năm 2024, toàn xã có 186 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm còn 129 hộ. Tính đến nay, xã đã giải ngân cho 19 hộ nghèo, cận nghèo thụ hưởng Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế với số vốn 358 triệu đồng từ nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Hầu hết những hộ khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng mô hình kinh tế, chủ yếu là mô hình chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ, đã dần ổn định cuộc sống.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững

Huyện cũng chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, thông qua việc tổ chức 25 lớp đào tạo nghề với 378 lao động (279 hộ nghèo, 96 hộ cận nghèo) tham gia học nghề. Theo báo cáo của UBND huyện Châu Thành, 100% các hộ sau khi tham gia học nghề tự tạo việc làm hoặc kiếm được việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chị Lê Thị Diệu Hiền, ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, Châu Thành, là một trong số học viên thuộc hộ khó khăn được tham gia lớp học nghề may. Hoàn cảnh đơn thân có 2 con nhỏ lại không có nghề nghiệp, dù bươn chải quanh năm chị vẫn không thể ổn định để nuôi con. Ban đầu, thấy tuổi đã ngoài 45, chị Hiền sợ không làm được việc, nhưng rồi được động viên, chỉ bảo tận tình của giảng viên, chị tự tin hơn. Sau khi tham gia học nghề may 3 tháng, chị lại được chính quyền giới thiệu vào làm việc tại tại doanh nghiệp ngay gần nhà, chị rất phấn khởi.

Làm việc hưởng theo sản phẩm, thu nhập của chị tại công ty được hơn 3 triệu đồng mỗi tháng; thời gian còn lại chị nhận sửa quần áo tại nhà, tổng thu nhập đảm đương trang trải cuộc sống cho 3 mẹ con. Con trai lớn của chị cũng được định hướng đi học nghề, hy vọng sắp tới có việc làm, cuộc sống của 3 mẹ con sẽ ổn định hơn.