Trận chung kết Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sẽ diễn ra vào đêm 13/7 giữa 2 đội “kỳ phùng địch thủ”- Trung Quốc và Phần Lan dự báo sẽ hút lượng du khách lớn đổ về "thành phố đáng sống". Trước sức hút của hàng loạt sự kiện cộng với chung kết pháo hoa đúng dịp hè, thời điểm này, các khách sạn 3-5 sao ở Đà Nẵng đã “cháy” phòng.
Du khách chật vật tìm phòng khách sạn
Anh Quyết Thắng, du khách từ Hà Nội chia sẻ, để cả gia đình có thể xem đêm chung kết pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, từ 10 ngày trước anh đã tìm đặt phòng trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến, liên hệ trực tiếp đến nhiều khách sạn quanh sông Hàn, trung tâm thành phố có vị trí có thể ngắm màn trình diễn pháo hoa nhưng tất cả đều trong tình trạng hết phòng ngày 13/7.
“Một khách sạn 5 sao ở gần cầu Thuận Phước, bình thường giá phòng chỉ 1,6-1,7 triệu đồng nhưng trong dịp chung kết pháo hoa tăng lên 8-9 triệu/phòng. Lúc đầu tôi đắn đo vì thấy giá khá cao, đến ngày hôm sau gọi đặt thì khách sạn báo không còn phòng. Nhiều khách sạn không chỉ tăng tiền phòng mà còn thu tiền xem pháo hoa trên sân thượng đối với khách lưu trú với mức phí 250.000 đồng/người”, anh nói.
Không đặt được phòng trong trung tâm, anh Thắng đành chọn khách sạn ở khu vực biển. Song dịp này, các khách sạn ven biển cũng trong tình trạng tương tự do lượng khách đến Đà Nẵng dịp chung kết lễ hội pháo hoa tăng vọt.
“Chật vật mãi tôi mới đặt được phòng khách sạn. May mà vẫn còn phòng. Cả nhà quyết định ở xa một chút sau đó đi taxi vào trung tâm, chọn vị trí gần cầu sông Hàn để ngắm pháo hoa”, anh Thắng cho hay.
Khách sạn 3 sao tăng giá gấp 3 lần
Bà Mỹ Trinh, Giám đốc khách sạn Biển Vàng (đường Phạm Văn Đồng) cho biết, khách sạn đã bán hết phòng đêm chung kết pháo hoa 13/7 từ cách đây vài tháng.
“Do khách sạn có view xem pháo hoa nên trong những đêm thi đều gần như hết phòng, riêng đêm chung kết thì hết phòng từ lâu. Khách đặt phòng đa phần là khách quen, để khách còn quay lại vào những lần sau, dịp này chúng tôi cũng chỉ tăng giá phòng lên 20% so với ngày thường, mỗi phòng dao động từ 600-700 nghìn đồng/phòng”, bà Trinh nói.
Tại khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng (đường Võ Nguyên Giáp), bà Ngô Thị Hương, Giám đốc điều hành cũng cho biết, khách sạn đã hết phòng các ngày 12-14/7. Giá phòng những ngày này trung bình từ 1,6-1,7 triệu đồng/đêm. Theo bà, năm nay khách sạn không tăng giá, phụ thu dịp lễ pháo hoa để thu hút, kích cầu khách nội địa.
Đại diện Awaken Danang Hotel (đường Võ Nguyên Giáp) cũng cho biết, gần 300 phòng của khách sạn đã được đặt hết trong đêm chung kết pháo hoa 13/7.
Nằm khá xa trung tâm, nhưng tại Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa (đường Nguyễn Tất Thành), tỷ lệ khách đặt phòng cuối tuần này cũng đã đạt trên 90% công suất, giá phòng đợt cao điểm tăng khoảng 20% so với ngày thường.
Nói về giá phòng khách sạn tăng gấp 3-4 lần, chủ một khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng thừa nhận, nhiều khách đợi sát ngày mới đặt sẽ rất khó tìm phòng, chấp nhận giá cao. “Vừa qua, vì thiếu "booking" của khách, tôi phải liên hệ khách sạn bên cạnh để đặt. Khách sạn 3 sao, bình thường giá chỉ 450-500 nghìn đồng nhưng nay báo giá 1,4 triệu đồng, tăng gấp 3 lần, khiến tôi cũng bất ngờ”, vị này nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An, trong 3 đêm diễn ra Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 (DIFF 2024), tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ trong những đêm này đạt hơn 198 nghìn lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ DIFF 2023.
Trong đó khách quốc tế đạt hơn 80 nghìn lượt (tăng 29,6%) và khách nội địa đạt hơn 117 nghìn lượt (tăng nhẹ 2,1%) so với cùng kỳ. Công suất buồng phòng toàn thành phố đạt từ 70-75%. Việc tăng tần suất các chuyến bay đến Đà Nẵng, các chính sách kích cầu du lịch ngành đường sắt đã góp phần gia tăng số lượng khách đến thành phố. Đặc biệt trong dịp DIFF 2024, các khách sạn ghi nhận thêm khách đi đường bộ từ các tỉnh lân cận.