Muôn kiểu “né” phạt nguội

Trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã từng bước nâng cấp hệ thống camera giám sát, phạt nguội, đồng thời cải tiến các biện pháp tuần tra, kiểm soát trên diện rộng.

Tuy nhiên, nhiều tài xế thay vì nghiêm chỉnh chấp hành quy định về an toàn giao thông thì lại cố tình nghĩ ra những chiêu trò nhằm “né” phạt nguội. Điển hình như “đeo khẩu trang” cho biển số; dùng biển số giả; che bớt một phần hoặc làm thay đổi chữ số trên biển dẫn tới khó khăn khi nhận diện vi phạm bằng hệ thống camera.

{keywords}
Một chiếc xe che 1 chữ số trên biển bằng mảnh giấy. (Ảnh: Csgt)

Thường gặp nhất là việc các lái xe lấy băng dính dán làm thay đổi các chữ số trên biển, “đổi tên” thành một xe khác. Điều này làm chiếc xe vi phạm “né” được phạt nguội, có trường hợp còn khiến một chiếc xe khác có biển số giống như vậy bị “vạ lây”.

Làm việc với đại diện phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội), ngày 28/6, đơn vị này đã ghi nhận chiếc xe BKS 30A-257.00 dừng đỗ sai quy định tại đường Giải Phóng (khu vực trước cổng Bệnh viện Bạch Mai) và gửi thông báo phạt nguội cho chủ xe.

Cách đây chưa lâu, anh Hoàng Thái Hoà (trú tại Nga Sơn, Thanh Hoá) chủ chiếc xe BKS 30A-257.00 “ngã ngửa” khi tra cứu ra chiếc xe hiệu Toyota của mình bị “dính” phạt nguội tại Hà Nội từ cuối tháng 6. Anh Hoà khẳng định, cả tháng đó không hề đi xe ra Hà Nội, cũng không hề cho ai mượn xe vào ngày đó.

{keywords}
Chiếc taxi hiệu Hyundai i10 mang biển số đã bị chỉnh sửa và chiếc Toyota "xịn" BKS 30A-257.00

Nhưng điều bất ngờ là chiếc xe BKS 30A-257.00 lại gắn trên xe Hyundai i10 mang logo taxi, chứ không phải giống xe Toyota mà anh Hòa đang là chủ sở hữu. Lực lượng chức năng sau đó đã xem lại clip vi phạm và khẳng định xe taxi vi phạm và chiếc xe Toyota của anh Hoà là hai xe khác nhau. Chiếc xe taxi này có thể đã dùng BKS giả hoặc tẩy xoá, dán số để qua mắt hệ thống camera quan sát.

Hay có những tài xế, trước khi vào đường cao tốc đã dán một vài chữ số để “phù phép” biển số của mình và chạy quá tốc độ, lấn làn. Sau khi dừng chân ở trạm dừng nghỉ, những băng dính này được bóc ra và “qua mặt” được lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát đầu ra.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc một số tài xế bằng cách này hay cách khác cố tình che, thay đổi biển số đều có những động cơ không trong sáng. “Nếu chưa ra đường đã nghĩ đến việc đối phó, trốn tránh trách nhiệm thì lái xe không thể an toàn được”, một chuyên gia nhận định.

{keywords}
Biển số kiểu "nguỵ trang". (Ảnh: OFFB)

Cần xử lý mạnh tay với hành vi che biển số

Khoản 3, điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định, phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng về hành vi điều khiển xe ô tô không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển,…

{keywords}
Một chiếc xe được dán băng dính trắng lên các chữ số rất tinh vi.

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “So với Nghị định 46 trước đó thì Nghị định 100 đã tăng mức xử phạt đối với hành vi như tẩy xoá, che BKS… lên tối đa là 1 triệu đồng đối với xe ô tô. Tuy nhiên, mức xử phạt như vậy vẫn còn khá thấp nếu so với các lỗi phổ biến khác, đang ở mức trung bình 3-5 triệu.”

Nhận định thêm về vấn đề này, luật sư Dương Đức Thắng cho hay, việc các đối tượng sử dụng biển giả, biển bị tẩy xóa, che khuất,… không chỉ là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường về trật tự, an ninh.

Do vậy, vị luật sư này đề xuất cần tăng nặng mức xử phạt, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự đối với những hành vi cố tình sử dụng biển giả, biển bị tẩy xóa, che khuất,… khi tham gia giao thông.

{keywords}
Cùng một chiếc xe nhưng biển số được thay đổi theo...ngày. (Ảnh: Phạm Công)

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, cần tăng mức xử phạt đối với hành vi che khuất, tẩy xoá biển số để “né” phạt nguội.

“Chúng ta phải điều chỉnh chế tài để những đối tượng có hành vi này phải được xử lý bằng mức xử phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông”, ông Hùng để xuất.

Về vấn đề này, Đại tá Đỗ Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, hành vi dán biển số, che mờ biển số là hành vi bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên việc xử phạt hành vi này chưa đủ mức răn đe.

“Đây là thủ đoạn dám làm mà không dám chịu trách nhiệm. Trong thời gian tới, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) được ban hành, chúng tôi sẽ đề xuất sửa Nghị định 100, trong đó hành vi che khuất, dán biển số là hành vi đánh vào ý thức và cần xử lý nghiêm trong thơi gian tới”, Phó Cục trưởng Cục CSGT nói.

Có thể nói, việc điều chỉnh chế tài xử phạt những hành vi có động cơ không trong sáng theo hướng tăng nặng để răn đe là cần thiết. Đó là một trong các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới.

Hoàng Hiệp

Bạn có ý kiến gì về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô Xe máy - báo VietNamNet theo email: Otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

 

Đi xe máy dưới 50cc phải có bằng lái: Cần thiết và cấp thiết

Đi xe máy dưới 50cc phải có bằng lái: Cần thiết và cấp thiết

Trong thời gian tới, người điều khiển xe máy dưới 50cc hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW sẽ được đào tạo, cấp giấy phép lái xe.

2020 - một năm sôi động dành cho cánh tài xế

2020 - một năm sôi động dành cho cánh tài xế

So với vài năm trước, năm 2020 được nhiều lái xe đánh giá là có nhiều “ồn ào” nhất về đời sống sau tay lái khi có hàng loạt quy định, cả cũ lẫn mới, hoặc mới nằm ở dự thảo đã gây tranh cãi.