Sân khấu Kịch Việt Nam trải qua 100 năm hình thành và phát triển. Bên cạnh những khó khăn, nhiều người trong ngành nhận định rằng Kịch Việt Nam đã chuyên nghiệp, bác học, hoàn thiện, hiện đại, không thua kém với bất kỳ nền sân khấu kịch tiên tiến nào trên thế giới. VietNamNet đã có buổi trao đổi với đạo diễn Lê Quý Dương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Sân khấu thế giới.
Không có chuyện NSND cả năm không diễn
- Anh thấy sân khấu Việt Nam đang ở vị trí như thế nào so với thế giới?
Không thể phủ nhận những thành tựu to lớn của sân khấu Kịch nói Việt Nam trong lịch sử 100 năm hình thành và phát triển. Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên mới của nhân loại với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, nếu nhận định sân khấu kịch nói Việt Nam "đã chuyên nghiệp, bác học, hoàn thiện, hiện đại, không thua kém với bất cứ nền sân khấu kịch tiên tiến nào trên thế giới" thì tôi hơi e ngại tính chủ quan.
Đạo diễn Lê Quý Dương. |
Nếu đặt một thang điểm từ 1 đến 10 để đánh giá toàn diện mặt bằng phát triển của đời sống sân khấu thế giới hôm nay, tôi xin khiêm tốn ghi nhận sân khấu kịch nói của Việt Nam đang ở mức 4,5 điểm.
- Theo anh, phong cách dựng vở tại sân khấu Việt Nam đã tiệm cận với sân khấu thế giới chưa?
Cách dựng vở ở Việt Nam so với sân khấu thế giới là một khoảng cách cần nhiều nỗ lực mới có thể rút ngắn lại được. Một vở diễn kịch nói, nếu chưa tính đến chất lượng của tất cả các loại hình nghệ thuật phụ trợ tham gia vào, là sự kết hợp của ba bộ môn nghệ thuật cốt lõi nhất. Thứ nhất là nghệ thuật viết kịch bản. Thứ hai là nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Thứ ba là nghệ thuật dàn dựng của đạo diễn.
Hiện nay sân khấu kịch nói Việt Nam thiếu vắng nhiều các kịch bản tầm vóc. Viết kịch là một nghề vô cùng khó và đòi hỏi những năng khiếu thiên bẩm. Dù là vậy cũng vẫn phải dũng cảm thừa nhận việc đào tạo, bồi dưỡng, khích lệ và tạo niềm cảm hứng sáng tác cho các kịch tác giả của sân khấu kịch nói Việt Nam đang có một lỗ hổng lớn.
Chúng ta có thể tổ chức cả chục trại sáng tác một năm, nhưng cách thức tổ chức và vận hành trại sáng tác như hiện nay sẽ khó để có các tác phẩm thực sự lớn lao và có giá trị. "Không thầy đố mày làm nên" là lời dạy của tổ tiên tôi muốn sử dụng để phân tích công tác đào tạo diễn viên kịch nói hiện nay. Đào tạo có hai đối tượng là "thầy" và "trò".
Tôi thực sự muốn chia sẻ với các thầy dạy diễn viên kịch nói hiện nay của chúng ta đang quá thiếu nhiều thông tin và kỹ năng mới để bổ sung cho các bài giảng của mình. Phần vì năng lực ngoại ngữ, phần vì cơ hội được và chạm, tiếp xúc, giao lưu với sân khấu nước ngoài và đồng nghiệp quốc tế. Phần vì cơ chế và cuộc sống chưa cho phép các thầy đầu tư thật nhiều tâm huyết cho nghề. Chúng ta không thiếu những thầy giáo tài năng nhưng chưa có cơ hội và điều kiện để phát huy hết được năng lực của mình.
"Trò" theo học ngành sân khấu kịch nói ở Việt nam hôm nay cũng khác so với các thế hệ nghệ sĩ thế hệ trước và "thua xa" sinh viên sân khấu ở các nước có nền sân khấu phát triển. Tôi đã thực nghiệm đưa nhiều sinh viên sân khấu đi tham dự các festival sân khấu của các trường nghệ thuật một số nước. Điều thua xa đầu tiên là tính tự chủ, năng động, sự tự tin và năng lực sáng tạo độc lập. Điều thua xa thứ hai là kỹ năng biểu diễn.
Sinh viên nước ngoài được đào tạo tổng hợp và hoàn chỉnh các kỹ năng diễn xuất theo nhiều trường phái sân khấu khác nhau, kỹ năng phân tích và nghiên cứu tác phẩm, kỹ năng ứng dụng và kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật phụ trợ cho sân khấu, rồi mới được chứng nhận tốt nghiệp. Diễn viên quốc tế nói chung không được vào biên chế chính thức ở bất cứ một nhà hát nào. Họ phải làm nhiều nghề khác và liên tục học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức và rèn luyện rất nhiều kỹ năng phụ trợ khác để tham dự và dành ưu thế trong các dịp tuyển chọn diễn viên cho các vở diễn sân khấu.
Điều khó khăn nhất đối với tôi khi dựng một vở diễn ở nước ngoài là việc tuyển chọn diễn viên cho vở diễn của mình bởi gần như rất khó để chọn vì tất cả họ đều rất giỏi với kiến thức và kỹ năng toàn diện cùng thái độ làm nghề vô cùng chuyên nghiệp.
Cả thế kỷ sân khấu Việt Nam chỉ dàn dựng theo đúng một phương pháp sân khấu hiện thực tâm lý của Konstantin Sergeievich Stanislavski trong khi sân khấu thế giới đã có ít nhất hơn chục trường phái sân khấu khác nhưng không được giới thiệu và ứng dụng vào Việt Nam. Thỉnh thoảng vài đạo diễn mạnh dạn ứng dụng và thử nghiệm thì ít được tạo điều kiện cần và đủ để phát huy và nhân rộng, thậm chí còn bị chê bai và chỉ trích.
Bởi vậy sự trì trệ trong nghệ thuật đạo diễn của sân khấu kịch nói Việt Nam thể hiện ở chỗ các đạo diễn chưa bứt phá và vượt qua được cái bóng của bản thân hay của người thầy của mình. Trò nếu không hơn cũng phải khác thầy thì sân khấu mới tạo nên được những bước phát triển mới.
- Nhiều nghệ sĩ Việt Nam than rằng, chế độ đãi ngộ nghệ sĩ kém, nhiều NSƯT, NSND vẫn là diễn viên hạng 3, hạng 4 với mức lương và chế độ thấp, chỉ tiêu biên chế hạn hẹp, các quy định về nhân sự nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng thiếu hụt diễn viên trẻ tài năng?
- Tôi lại thấy chế độ đãi ngộ nghệ sĩ tại Việt Nam hiện nay quá "hào phóng". Cuộc sống và công việc của các nghệ sĩ sân khấu ở nước ngoài nghiệt ngã hơn nhiều. Chẳng bao giờ có chuyện một nghệ sĩ dù có danh hiệu cao quý đến đâu mà có khi cả năm không biểu diễn một vai ở nhà hát mà vẫn được nhận lương và các chế độ đều đặn.
Tất cả các tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên quốc tế hầu hết đều là những nghệ sĩ tự do. Không quan trọng bạn đã nổi tiếng đến đâu, có những danh hiệu cao quý gì được phong tặng hay bạn bao nhiêu tuổi, miễn sao vẫn đang được các nhà hát tin cậy thì vẫn được tuyển dụng vào các dự án sân khấu để làm việc.
Tất nhiên khi bạn được tuyển dụng thì chế độ sẽ tương xứng với giá trị thực sự mà bạn đang có. Một ngôi sao sẽ có chế độ khác với một nghệ sĩ đang định hình nghề nghiệp hay một sinh viên mới ra trường. Việc lựa chọn và tuyển dụng nghệ sĩ diễn viên sân khấu theo từng vở diễn cho phép các nghệ sĩ sân khấu ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh và năng lực có nhiều cơ hội làm nghề hơn là cơ chế có một dàn diễn viên chính thức cố định chia nhau làm tất cả các vở diễn của nhà hát.
Quan trọng hơn, việc lựa chọn và tuyển dụng nghệ sĩ diễn viên theo từng vở diễn sẽ làm phong phú các gương mặt nghệ thuật của nhà hát, thúc đẩy yếu tố cạnh tranh để nâng cao chất lượng và đẳng cấp nghệ thuật của mỗi vở diễn. Đó là quy luật lựa chọn và đào thải không thể đổi thay của thế giới tự nhiên và xã hội loài người. Chúng ta làm trái quy luật đương nhiên sẽ gặp phải nhiều hệ lụy.
Bằng chứng là hàng năm nhà nước vẫn phải chi những nguồn ngân sách khổng lồ cho các hoạt động nghệ thuật, trong đó có sân khấu. Nhưng vẫn thiếu vắng các các tác phẩm đỉnh cao, nghệ sĩ vẫn kêu ca thiếu thốn và các thế hệ nghệ sĩ trẻ vẫn không có cơ hội được gia nhập và cống hiến. Điều này dẫn tới một nền sân khấu cũ kỹ, trì trệ và tụt hậu là tất yếu.
Không có đề án dựng vở độc đáo mới lạ thì dừng hợp đồng
- Theo anh, hướng đi nào cho sân khấu Kịch Việt Nam phát triển?
Thực tiễn sân khấu kịch nói Việt Nam hôm nay chỉ đang ở mức tồn tại vật lý chứ chưa thực sự phát triển. Bản thân sự tồn tại này cũng không đồng đều trên phạm vi cả nước. Việc giải thể hoặc sáp nhập các đoàn kịch vào chung một nhà hát với các loại hình sân khấu khác ở nhiều tỉnh thành lại càng làm cho sân khấu kịch nói đứng trước nguy cơ tan rã.
Tôi chỉ muốn chia sẻ ý kiến riêng chưa thực sự hoàn chỉnh của mình dựa trên kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong hơn 15 năm học tập và làm việc ở nước ngoài với nhiều cơ hội được tiếp xúc với nhiều nền sân khấu ở nhiều châu lục và quốc gia khác nhau.
Thứ nhất, định hướng cấp bách cho sân khấu kịch nói Việt Nam hiện nay là cần tập trung cải tổ và cách tân toàn bộ cơ chế tổ chức, quản lý và vận hành các hoạt động của sân khấu kịch nói. Hầu như mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc cấp tiểu bang trên thế giới đều chỉ có một nhà hát kịch duy nhất đại diện chính thức cho mình. Tất cả các các nhà hát khác đều được thành lập và hoạt động theo hình thức xã hội hóa và tự quyết định sự tồn tại và phát triển của minh.
Thứ hai, hầu hết các nhà hát kịch nói trên thế giới đều không có tác giả, đạo diễn và diễn viên chính thức trong biên chế của mình. Toàn bộ đội ngũ sáng tạo được lựa chọn và tuyển dụng theo hợp đồng cho những vở diễn cụ thể. Bản thân giám đốc của các nhà hát này cũng được tuyển dụng gắt gao với nhiệm kỳ từ ba đến bốn năm. Sau thời gian hợp đồng nếu nhà hát hoạt động không có hiệu quả sẽ ngay lập tức bị thay thế để nhường chỗ cho một giám đốc khác được tuyển dụng mới.
Thứ ba, ngân sách của chính phủ dành cho sân khấu nói chung và sân khấu kịch nói nói riêng không được phân bổ theo hình thức bao cấp về cho các nhà hát, kể cả nhà hát quốc gia. Ngân sách này được tài trợ theo các dự án của các nhà hát đệ trình lên một hội đồng chuyên môn được thay đổi hàng năm xét duyệt và quyết định.
Ví dụ như ngân sách dành cho kịch nói của Bộ VHTTDL năm 2021 có 100 tỷ. Ngân sách này sẽ được thông báo công khai cho tất cả các nhà hát sân khấu kịch nói trên phạm vi cả nước. Tất cả các nhà hát từ khu vực sân khấu tư nhân cho tới sân khấu công lập đều bình đẳng đệ trình đề án lên hội đồng độc lập của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để xét duyệt và phê chuẩn. Điều này được thực hiện hàng năm hoàn toàn khách quan và minh bạch. Ngân sách cũng không tài trợ hết cả 100% chi phí của vở diễn.
Thường chỉ là 40% - 50% số ghế của nơi vở diễn sẽ được diễn ra. Phần còn lại các nhà hát phải tự vận động xã hội hóa hoặc bằng bất cứ hình thức gì để chứng minh với 40% - 50% kinh phí tài trợ của nhà nước thì dự án vẫn được thực hiện vì có những nguồn kinh phí xã hội hóa khác. Mô hình tổ chức, quản lý và vận hành hoạt động sân khấu trên đã tạo ra một đời sống sân khấu vô cùng phong phú, đa dạng với tính cạnh tranh cao và liên tục có những sáng tạo cách tân mới lạ.
Bản thân Giám đốc nhà hát nếu không năng động tìm tòi và tạo nên những đề án dựng vở độc đáo mới lạ thì cũng sẽ bị thay thế khi hết hợp đồng. Các tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, phục trang, đạo cụ nếu không có sự cố gắng, nỗ lực và sáng tạo liên tục cũng sẽ bị loại khỏi sự lựa chọn và tuyển dụng của nhà hát. Mô hình này đã làm cho sân khấu Mỹ, châu Âu và Australia luôn luôn mới mẻ và đầy sinh lực.
Tình Lê
Nhiều nghệ sĩ nhân dân vẫn chỉ là diễn viên hạng 3, 4 lương thấp
"Chế độ đãi ngộ nghệ sĩ kém, rất nhiều NSND, NSƯT vẫn là các diễn viên hạng 3, hạng 4 với mức lương và chế độ thấp", NSND Trung Hiếu nói thực trạng của sân khấu Việt Nam.