Bộ KH-ĐT cho biết sẽ kiến nghị cụ thể hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc, kết hợp kiến nghị xử lý hình sự đối với sếp DN không công bố thông tin về tình trạng khó khăn hoặc thất thoát vốn tại đơn vị mình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, 2/3 DNNN vẫn vi phạm quy định về công bố thông tin.

Theo Bộ KH-ĐT, đến thời điểm tổng hợp, ngày 31/12/2016, mới có 241/620 doanh nghiệp (chiếm gần 39%) gửi báo cáo đến Bộ để thực hiện công bố thông tin.

{keywords}
Rất ít DN nghiêm túc thực hiện việc công bố thông tin, nhất là thông tin thua lỗ (ảnh minh họa)

Trong số 380 doanh nghiệp chưa công bố thông tin, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, doanh nghiệp là các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.

Đặc biệt các công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (5 doanh nghiệp), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (6 doanh nghiệp), Tập đoàn Cao su Việt Nam (4 doanh nghiệp) chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.

Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các viên chức quản lý doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước vi phạm các quy định về công bố thông tin.

Đồng thời, đề nghị công khai các nội dung xử lý trách nhiệm trên trang thông tin điện tử của mình và gửi về Bộ nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch và đảm bảo sự giám sát của người dân và xã hội đối với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, trong quý II/2017, Bộ KH-ĐT cho biết sẽ kiến nghị cụ thể hình thức xử lý kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc, kết hợp kiến nghị xử lý hình sự đối với người quản lý nếu doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn hoặc gây thất thoát vốn nhưng không thực hiện bất cứ hoạt động công bố thông tin nào theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.

Dựa trên báo cáo Kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm của 5 Tập đoàn kinh tế, Bộ KH-ĐT nhận thấy có một số nội dung cần lưu ý.

Ước trong năm 2016, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có sự sụt giảm đáng kể về sản lượng khai thác dầu thô và sản phẩm khí so với năm 2015 (tương ứng dầu là 7,11 triệu tấn so với 16,88 triệu tấn),... Tuy nhiên, tổng doanh thu và nộp ngân sách của năm 2016 lại cao hơn so với năm 2015 (440 nghìn tỷ so với 310,94 nghìn tỷ, nộp ngân sách 88 nghìn tỷ).

Lợi nhuận sau thuế dự kiến của PVN trong năm 2016 là 18 nghìn tỷ, bằng 58,6% so với 2015.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) ước năm 2016 các số liệu thống kê về doanh thu, nộp ngân sách đều thấp hơn so với năm 2015. Tổng doanh thu năm 2016 ước đạt 13 nghìn tỷ đồng so với hơn 17 nghìn tỷ đồng năm 2015. Lợi nhuận trước thuế cũng giảm gần một nửa.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cũng sụt giảm trong năm 2016. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 chỉ đạt 500 tỷ đồng so với 839 tỷ đồng năm 2015, nộp ngân sách là 12,255 nghìn tỷ.

3 Tập đoàn kinh tế còn lại chưa có số liệu ước thực hiện sản xuất kinh doanh 2016 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) hoặc chưa nộp báo cáo (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem).

L.Bằng