Xem clip:

Đảo Cồn Sơn (TP Cần Thơ) nằm giữa bờ sông Hậu là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn những năm gần đây bởi khung cảnh miền Tây đặc trưng cùng cách làm du lịch mới lạ.

Hà Ngân thích thú được đàn cá koi massage chân

Thả lỏng đôi chân trong bể nước của bè cá Bảy Bon để hàng trăm con cá koi thi nhau rỉa những tế bào chết, Nguyễn Thị Hà Ngân (trú TP Vinh, tỉnh Nghệ An) kể, mở đầu hành trình tham quan Cồn Sơn, chị được thư giãn với trải nghiệm massage do những “nhân viên” cá tinh nghịch đảm nhiệm. Ngân nghe lời khuyên của một số người bạn về sản phẩm du lịch này ở Cồn Sơn nên tranh thủ săn vé ghé thăm vào cuối tuần, trải nghiệm cảm giác mới lạ.

“Ngay khi vừa đặt chân, một cảm giác tê tê, buồn buồn, cơ thể như xua tan mệt mỏi. Đặc biệt khi ngắm nhìn đàn cá koi bám vào chân cũng rất thú vị”, Ngân tâm sự.

Để tới bè cá Bảy Bon, Hà Ngân cùng đoàn du khách đi từ bến đò Cô Bắc (quận Bình Thuỷ) mất khoảng 5 phút. Bảy Bon là cách gọi thân thương của người dân địa phương dành cho ông Lý Văn Bon (57 tuổi) - một trong số ít nông dân thành công với mô hình làm kinh tế kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch ở Cần Thơ.

Ông Lý Văn Bon - chủ nhân bè cá Bảy Bon. Ảnh: Thiện Chí

Ông Bảy Bon cho biết, hầu hết mọi người đến đây đều không thể bỏ qua trải nghiệm thú vị này. Chính nhờ kinh doanh dịch vụ này mà kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt.

Với mức phí tham quan, trải nghiệm 30.000 đồng, du khách được những chú cá koi đủ kích cỡ, màu sắc từ từ rỉa vào chân, tay, vừa buồn buồn, vừa tê tê, cảm giác mà không một loại dịch vụ massage nào khác có thể đem đến được.

Mô hình massage bằng cá koi thu hút người dân và du khách trải nghiệm. Ảnh: Trần Tuyên

Đàn cá koi rực rỡ sắc màu. Ảnh: Trần Tuyên

Ngoài trải nghiệm massge bằng cá koi, bè cá Bảy Bon còn sở hữu đàn cá măng rổ với kỹ năng săn mồi đặc biệt. Trong môi trường tự nhiên, khi phát hiện con mồi như dế, nhện, ruồi, muỗi… cá sẽ bắn nước lên, làm con mồi rớt xuống nước sẽ ăn thịt. 

Khi trưởng thành, cá có thể bắn chính xác trong khoảng cách xa đến 2m, vì vậy cá còn được gọi là cá cung thủ.

Cá măng rổ với kỹ năng săn mồi đặc biệt "bách phát bách trúng". Ảnh: Trần Tuyên

Nhờ cấu tạo miệng đặc biệt, loài cá này có thể tự điều chỉnh vận tốc và hình dạng của tia nước phun ra trên không, thậm chí còn có thể ước tính trọng lượng của con mồi để sử dụng lượng nước phù hợp, đỡ tốn sức mà vẫn hiệu quả.