Lou Schuler là một nhà báo, tác giả sách viết về sức khỏe cho nam giới. Từ năm 2012, ông đã tự thí nghiệm những chu kỳ kiểm soát cân nặng 12 tháng trên bản thân mình. Mục đích của Schuler là tránh tăng cân hàng năm vào mùa đông, yếu tố khiến chúng ta phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật ở tuổi trung niên sau này.
Suốt 5 năm Schuler đã thực hiện thí nghiệm chỉ với 1 điều đơn giản: Hạ nhiệt độ điều hòa sưởi thấp hơn mức mọi người vẫn đặt trong suốt mùa đông. Tưởng chừng chỉ là hành động hết sức đơn giản, nhưng điều này lại có thể giúp bạn tiết kiệm được cả tiền điện lẫn nguy cơ phải trả tiền viện phí ở tuổi trung niên, do mắc các căn bệnh liên quan đến thừa cân và béo phì như tim mạch, tiểu đường...
Dưới đây là câu chuyện mà Schuler đã chia sẻ:
Bạn sẽ nặng nhất và nhẹ nhất vào thời điểm nào trong năm?
Mùa thu là thời điểm mà đa số chúng ta có trọng lượng nhẹ nhất trong năm. Và bởi con số đã chạm đáy ở thời điểm này, nó sẽ bắt đầu tăng trở lại khi mùa đông bắt đầu. Chỉ trong vòng vài tháng, bạn sẽ tăng cân dần lên và thường nặng nhất vào đúng dịp năm mới.
Trong 10 tháng tiếp theo, cân nặng sẽ giảm dần để lại chạm đáy vào mùa thu năm sau. Chỉ có điều, cứ mỗi mùa thu tới, bạn lại nặng hơn một chút so với mùa thu năm ngoái. Cân nặng tích lũy suốt thời gian trưởng thành khá đáng kể.
Nghiên cứu của Mỹ cho thấy: Trung bình, một người phụ nữ sẽ tăng 12,7 kg kể từ sau tuổi dậy thì cho tới tuổi trung niên. Con số cho nam giới là 9,5 kg.
Phải nhấn mạnh một điều rằng những dữ liệu này được ghi nhận lại từ chính những người biết rằng cân nặng của họ được theo dõi. Những người tham gia không chỉ cung cấp thông tin cập nhật và chính xác cho các nhà nghiên cứu, mà chính họ cũng là các y tá và bác sĩ.
Vậy nếu ngay cả những bác sĩ biết rằng mình chắc chắn sẽ tăng cân hàng năm mà cũng không tránh khỏi kết quả này, những người bình thường như chúng ta có hi vọng chống lại chu kỳ tự nhiên này được không? Câu trả lời là có, thực sự có.
Trong 5 năm gần đây, cân nặng được tôi quản lý theo chiều hướng ngược lại. Vào mùa đông, tôi sẽ giảm một vài cân bắt đầu từ đầu tháng 12. Vào mùa xuân và mùa hè, tôi tăng cân trở lại một chút và thường nặng hơn cả vào mùa thu, thời điểm mà đa số mọi người vẫn nhẹ nhất.
Nguyên tắc được tôi sử dụng để làm được việc này: Đó là luôn sống trong khoảng nhiệt 66oF (tương đương 18,8oC) qua suốt mùa đông.
Tôi đã bắt đầu thử nghiệm điều này trên cơ thể từ năm 2012, sau khi đọc một nghiên cứu về béo phì. Trong đó, một thực tế được chỉ ra: Vào năm 1923, một ngôi nhà ở Mỹ vào mùa đông chỉ được sưởi lên tầm 17oC. Nhưng đến năm 1986, nó đã tăng lên tới hơn 24oC.
Tại sao hạ nhiệt độ điều hòa có thể giúp bạn giảm, hay ít nhất là tránh tăng cân?
Sống trong một thế giới mà ở đó khí hậu được con người kiểm soát, nhiệt độ không bao giờ lạnh đến mức gây khó chịu, đồng nghĩa với việc cơ thể chúng ta không đốt hết năng lượng lẽ ra mình phải tiêu tốn cho hoạt động giữ ấm cơ thể vào mùa đông.
Tôi không thể chứng minh điều đó, nhưng tôi nghĩ hoàn toàn logic khi sưởi ấm trong mùa đông góp phần khiến chúng ta tăng cân hàng năm. Nếu cho phép cơ thể mình được chịu lạnh trở lại, chúng ta sẽ đốt cháy thêm calo và giảm cân, hoặc ít nhất cũng đốt calo bằng mức chúng ta ăn vào những kỳ lễ tết mùa đông.
Thực tế, xông lạnh cơ thể và giảm cân không phải là những thứ hoàn toàn mới mẻ. Trước đây, đã rất nhiều người thử nghiệm điều này. Có người như Tim Ferreiss đã tự ngâm mình trong bồn nước đá. Wired và Atlantic là hai tờ báo đã rất quan tâm đến chủ đề này. Có người như Penn Gilletle đã tuyên bố xông lạnh giúp ông giảm hơn 45 kg.
Có điều, tất cả những phương pháp xông lạnh này đều hạ thấp nhiệt độ cơ thể một cách khá cực đoan và có phần khổ cực. Tôi sẽ không làm nó, thà chịu đựng tăng cân một chút còn hơn là cực khổ. Bằng cách tắt điều hòa và cho nhiệt độ hạ thấp một chút, tôi chỉ cảm thấy hơi hơi không thoải mái nhưng cân nặng vẫn giảm.
Mặc dù vậy, các chuyên gia về giảm cân chưa hẳn tin tưởng vào giảm cân nhờ hạ nhiệt. “Nếu chúng ta kết hợp một số biện pháp giảm cân khác nữa, hạ nhiệt có lẽ sẽ hỗ trợ bạn”, Spencer Nadolsky, một chuyên gia về béo phì cho biết. “Nhưng tôi nghi ngờ hạ nhiệt không thì một mình nó sẽ không có tác dụng”.
Thực ra, đó cũng là những gì mà tôi đã nghi khi mới bắt đầu thử nghiệm của mình. Bởi vì giảm cân là việc chẳng dễ dàng gì, tôi cũng từng nghi ngờ rằng kết quả giảm cân của mình là từ chế độ ăn chứ không phải do giảm nhiệt độ.
Cùng thời điểm bắt đầu, tôi cũng đang thử chế độ ăn Paleo (ăn kiêng giống như người tiền sử, nghĩa là chỉ ăn nhiều thịt, một số loại rau củ ngày xưa có được từ hái lượm, tránh ăn sản phẩm nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi như gạo, bánh mì, sữa…).
Mặc dù chẳng tuân thủ tuyệt đối chế độ ăn này, nhưng tôi đã giảm ít nhất gần 5 kg chỉ trong vài tháng. Khi mùa đông qua đi và tôi mặc quần áo mùa hè trở lại, những chiếc quần đùi năm trước còn vừa vặn với tôi nay đã rộng đến nỗi tụt khỏi hông.
Mùa đông tiếp theo đó, chế độ ăn kiêng của tôi gần như bị phá vỡ, nhưng tôi vẫn giảm được lượng cân nặng mình đã tăng suốt mùa hè và mùa thu. Điều tương tự xảy ra vào mùa đông năm sau và cả năm sau nữa.
Cứ mỗi mùa đông, tôi chỉ giảm được một vài cân, nhưng khoảng thời gian đó hoàn toàn trùng khớp đến lạ thường.
Cơ thể con người như một đống củi
Để hiểu được cơ chế hoạt động của hiệu ứng hạ nhiệt giúp giảm cân, tôi đã tưởng tượng cơ thể giống như một đống củi. Chúng ta có 3 phần nước và 2 phần nhiên liệu được giữ lại với nhau bằng bộ xương.
Phải mất rất nhiều nhiên liệu trong cơ thể để duy trì sự sống cho chúng ta, mà phần lớn trong số đó dùng để điều chỉnh nhiệt, giúp cơ thể không quá nóng và quá lạnh ở mức 37oC. “Tất cả các quá trình trao đổi chất đều đang làm nóng cơ thể chúng ta ở một mức nhất định”, Nadolsky cho biết.
Thời tiết lạnh là một mối nguy cơ với nhiệt độ cơ thể, nhưng chúng ta có nhiều cách chống lại nó để tồn tại. Lớp cơ ngay dưới da co lại khiến bạn nổi da gà, bít các lỗ chân lông để tránh mất nhiệt. Bạn cũng sẽ run hoặc rùng mình, thực chất đó là hiệu ứng tạo nhiệt của cơ và xương. Cả hai cơ chế này giống như việc ném thêm củi vào lò sưởi giúp giữ căn phòng của bạn thêm ấm áp.
Tiếp tục với ví dụ này, cơ thể chúng ta có rất nhiều củi dự trữ. Tất nhiên, ngay cả một vận động viên điền kinh có vẻ gầy những vẫn đủ chất béo để tiếp tục vận động cả 1 ngày mà không cần ăn. Khi lượng chất béo dự trữ cạn kiệt, cơ thể có thể đốt thêm protein bạn tích trong cơ bắp và nội tạng.
Mặc dù vậy, đốt protein không phải điều gì hay ho, nó giống như bạn cậy sàn gỗ trong nhà để ném vào lò sưởi.Tốt hơn hết là ra ngoài nhà và kiếm củi, hay nói cách khác là ăn thêm gì đó vào cơ thể. Đó cũng là lý do bạn sẽ đói khi bị lạnh.
Nhưng thế cũng là một điều tốt: Ăn thêm nhiên liệu có nghĩa là bạn cũng đốt thêm nhiên liệu, tăng thông lượng năng lượng được sử dụng. Thông lượng năng lượng nạp và tiêu thụ sẽ giúp bạn giữ được vóc dáng và khỏe mạnh hơn.
Một điều thú vị khác nữa xảy ra khi cơ thể chúng ta thích ứng với thời tiết lạnh: Chuyên gia nghiên cứu dinh dưỡng Karmal Patel giải thích rằng cơ thể sẽ tăng tích trữ chất béo nâu, một loại mô chuyển hóa nhanh chuyên dùng để sinh nhiệt.
Chất béo nâu khác với chất béo trắng bình thường trong cơ thể, dùng để dự trữ nhiên liệu. Thời tiết lạnh sẽ kích hoạt chất béo nâu được sử dụng, và sống trong môi trường lạnh sẽ càng kích thích cơ thể tiết ra nhiều chất béo nâu hơn.
Vậy là bạn sẽ không cần phải run lẩy bẩy trong thùng nước đá để có được lợi ích từ nhiệt độ môi trường. Nhờ vào chất béo nâu và hiệu ứng làm nóng không run rẩy, bạn có thể tận hưởng những lợi ích từ việc hâm nóng cơ thể mà không cần chịu khổ cực.
Bằng chứng của khoa học
Bây giờ, chúng ta phải nói đến một vài điều nhỏ nhặt đôi khi dễ bị bỏ qua: Thử nghiệm hạ nhiệt độ điều hòa của tôi trong mùa đông chỉ thực hiện được bởi vì tôi là một người làm việc tự do tại nhà, nơi tôi có khả năng kiểm soát nhiệt độ môi trường cho mình.
Còn khi tôi đến văn phòng của một ai đó, hoặc ở trong khách sạn, tôi đã cảm thấy mùa đông quá nóng còn mùa hè thì quá lạnh.
Nhưng ngay cả với những người có thể kiểm soát được nhiệt độ môi trường xung quanh mình, hạ nhiệt cũng có thể tác động khác nhau ở mỗi người khác nhau – giống như quá trình trao đổi chất trong mỗi người chúng ta không hoàn toàn giống hệt nhau.
Một số nghiên cứu cho thấy những người gầy đáp ứng với sự chênh lệnh nhiệt độ môi trường – cơ thể tốt hơn người thừa cân và béo phì.
Trên thực tế, Patel cũng chỉ ra, nghiên cứu về hiệu ứng giảm cân nhờ nhiệt độ môi trường cũng còn rất sơ khởi và chưa có gì được định hình. Các thí nghiệm dài hạn duy nhất chỉ được thực hiện và kể lại bởi một vài cá nhân đơn lẻ như tôi. Các nghiên cứu bài bản thì lại chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn và chia ra nhiều khoảng nhiệt độ khác nhau.
Vì vậy, mặc dù về mặt lý thuyết hạ nhiệt độ môi trường và sống trong điều kiện lạnh hơn để giảm cân là ý tưởng khá hoàn hảo, chẳng ai biết liệu cách này có hiệu quả với tất cả mọi người hay không hoặc nó sẽ cho hiệu quả trong bao lâu.
Nhưng chắc chắn mọi người và cả các nhà khoa học sẽ cùng đồng ý với một điều: Tăng cân suốt tuổi trưởng thành, thậm chí chỉ 1 cân mỗi năm cũng sẽ để lại một hậu quả thực sự. Bạn càng tăng nhiều cân và thời gian béo của cơ thể càng kéo dài thì bạn càng có nguy cơ cao hơn mắc tiểu đường, bệnh tim và tất cả những thứ được coi là kẻ thù mà bạn mong rằng mình không phải đối mặt.
Vậy nên, nếu đơn giản chỉ là hạ nhiệt độ điều hòa xuống một chút, không đến nỗi khiến răng bạn va lập cập vào nhau, có thể giúp bạn tránh tăng cân hàng năm thì đó đã là một chiến thắng rồi. Bạn không cần mong đợi gì hơn thế.
Như Nadolsky nói: “Không thoải mái đôi chút (chịu lạnh) thì chẳng có gì hại cả. Hạ nhiệt độ có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền điện. Chỉ cần bạn đừng quá mong đợi một phép màu (rằng điều này sẽ giúp bạn giảm quá nhiều cân là đủ)”.
Theo GenK