1. “Chị Hai năm tấn” quê ở đâu?

  • Điện Biên
  • Thái Bình
  • Long An
  • Yên Bái
Chính xác

Thái Bình là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Tỉnh này được mệnh danh là quê hương của “chị Hai năm tấn” bởi năm 1965, tỉnh đạt năng suất lúa 5 tấn/ha, đánh dấu mốc lịch sử về năng suất lúa của miền Bắc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen.

Trong giai đoạn 1965 – 1968, Thái Bình đã nộp hợp 337.000 tấn lương thực cho Nhà nước, bằng số lương thực sản xuất trong một năm của tỉnh vào những năm 50. Năng suất lúa vẫn không ngừng tăng lên, đạt 7 tấn vào năm 1974, 10 tấn vào năm 1990.

“Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình” cũng được nhạc sĩ Hoàng Vân đưa vào ca khúc “Hai chị em”. Tên gọi  “Chị Hai năm tấn” để chỉ những người phụ nữ anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang của vùng quê lúa.

2. Cuộc khởi nghĩa nông dân chống triều đại phong kiến nhà Nguyễn nào sau đây xuất phát từ vùng Thái Bình, Nam Định?

  • Khởi nghĩa Nông Văn Vân
  • Khởi nghĩa Phan Bá Vành
  • Khởi nghĩa Hương Khê
  • Khởi nghĩa Mỹ Lương
Chính xác

Phan Bá Vành (?-1827), tục gọi là Ba Vành, sinh tại làng Minh Giám, huyện Vũ Tiên (nay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Cha ông làm nghề chèo đò, tuy nhiên vì cha mất sớm nên Ba Vành từ nhỏ đã phải làm thuê để phụ giúp gia đình. Tương truyền, ông lớn lên có sức khỏe hơn người và tài ném lao bách phát bách trúng.

Phan Bá Vành lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại đường lối cai trị của nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Giới sử gia đánh giá đây là cuộc khởi nghĩa nông dân kéo dài và có phạm vi ảnh hưởng rộng nhất thời bấy giờ.

Lực lượng của ông giai đoạn đầu gồm khoảng 5.000 quân, phần lớn là người dân đói khổ vùng Thái Bình, Nam định, sau đó có thêm vài nghìn quân của thủ lĩnh Ba Hùm (người Mường) từ thượng du Thanh Hóa. Tính cả quân nổi dậy ở các tỉnh lân cận tham gia, trong tay Phan Bá Vành đỉnh điểm có đến hàng vạn binh lực.

Vì vợ lẽ phản bội, Phan Bá Vành bị quân nhà Nguyễn bắt sống trong trận vây hãm làng Trà Lũ. Ông tự tử trên đường áp giải về kinh thành, hàng ngàn tàn quân đi cùng ông cũng bị xử cực hình. Về sau, vua Minh Mạng lệnh phá dỡ làng Trà Lũ, từ nhà cửa, cây cối, lũy tre đều không còn sót thứ gì.

3. Thái Bình có người anh hùng nào đưa cờ Việt Nam bay vào vũ trụ?

  • Nguyễn Tuân
  • Phạm Tuân
  • Bùi Thanh Liêm
  • Nguyễn Văn Cốc
Chính xác

Anh hùng Phạm Tuân (sinh năm 1947, quê ở Kiến Xương, Thái Bình) là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay vào vũ trụ năm 1980.

Trước đó, vào năm 1977, Phạm Tuân được cử sang Liên Xô học tại Học viện Không quân Gagarin. Năm 1979, ông được chọn vào đội bay quốc tế, sau khi vượt qua bài kiểm tra thể lực khắt khe. Cùng được chọn với Phạm Tuân còn có phi công dự bị Bùi Thanh Liêm, người sẽ thế chỗ ông nếu có sự cố bất ngờ.

Đúng 1h33 ngày 23/7/1980 (giờ Hà Nội), tại sân bay vũ trụ Baikonur (Liên Xô), tàu vũ trụ Liên hợp 37 do Gorbatko và Phạm Tuân điều khiển đã phóng lên vũ trụ. Khi cờ Tổ quốc được mang lên, Việt Nam chính thức có tên trong bản đồ du hành vũ trụ quốc tế.

Ở trong không gian tổng cộng 7 ngày, 20 giờ và 42 phút. Tàu thực hiện 142 vòng quỹ đạo quanh Trái đất, tiến hành hơn 30 thí nghiệm viễn thám hàng không, hòa tan các mẫu khoáng chất và các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu.

4. Chùa Keo (Thái Bình) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm nào?

  • 2002
  • 2007
  • 2012
  • 2017
Chính xác

Dân gian có câu ca dao về lễ hội chùa Keo: “Dù cho cha đánh mẹ treo/Vẫn không bỏ hội chùa Keo hôm rằm”. Hàng năm, lễ hội chùa Keo được tổ chức hai lần vào mùng 4 tháng Giêng Âm lịch và giữa tháng 9 Âm lịch. Trong ngày hội, người dân sẽ tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng…

Về kiến trúc, sau nhiều đợt trùng tu lớn, chùa Keo vẫn lưu giữ được những nét độc đáo của mình. Gác chuông chùa có bộ mái gồm 100 đàn đầu voi và cánh cửa chạm khắc hình rồng. Chùa còn sở hữu hàng trăm tượng và đồ tế từ thời Lê.

Năm 2012, chùa Keo được cấp bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2017, Lễ hội chùa Keo được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

5. Thái Bình có đặc sản gì?

  • Bánh cáy
  • Bánh gai
  • Bánh mì cay
  • Bánh giò
Chính xác

Bánh cáy làng Nguyễn từng là đặc sản tiến vua của người dân Thái Bình. Tên gọi của bánh cáy bắt nguồn từ hạt nếp vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, sau đó ép dẻo, xắt hạt lựu rồi đem phơi khô… có màu vàng hệt như trứng con cáy.

Bánh cáy ngon khi vừa đủ độ dẻo, ngọt, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi, cắn miếng bánh thấy mứt bí, gừng tươi cay nồng. Qua thời gian, bánh cáy trở thành một đặc sản, một biểu tượng văn hóa ẩm thực của quê lúa Thái Bình.