Chi hội nông dân tỷ phú- nơi gặp gỡ, giao lưu bàn chuyện làm ăn

Bình Dương hiện nay là tỉnh đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng nông nghiệp vẫn đóng góp 1 vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh tế nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. 

Nghị quyết 04 ngày 5/8/2019 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ra đời với kỳ vọng sẽ hình thành được mô hình mới để thu hút tập hợp hội viên nông dân, đặc biệt là những nông dân làm ăn có hiệu quả, những triệu phú, tỷ phú nông dân.

Đầu năm 2020, ý tưởng tập hợp những nông dân giỏi tiêu biểu của tỉnh để hình thành chi hội nông dân tỷ phú trực thuộc tỉnh được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh nghiên cứu, tuyên truyền, triển khai, vận động nông dân tham gia.

Lúc ban đầu, ý tưởng đã thu hút 3 doanh nghiệp, 2 nhà khoa học, 4 cán bộ Hội Nông dân và hơn 30 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu tại các địa phương trong tỉnh.

Tháng 4/2021,  Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị trù bị thành lập Chi hội Nông dân tỷ phú Bình Dương.

Nhân dịp sinh hoạt chi hội quý I năm 2023 Ban Chấp hành chi hội đã tham mưu Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh kết nạp thêm 06 thành viên mới, họ đều là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh, nhiệt tình với công tác hội và đã đạt các danh hiệu cấp tỉnh và trung ương.

clhnongdantyphu.png

Giờ đây, sau 3 năm triển khai, với khởi đầu chỉ có 46 thành viên, đến nay đã phát triển lên 65 thành viên. Nhiều nông dân có thu nhập tiền tỷ từ chính những cây trồng, vật nuôi vốn quen thuộc trên mảnh đất quê hương Bình Dương. Ngoài những thành viên chủ lực là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thì chi hội còn có sự góp mặt của 2 tiến sỹ đang công tác tại trường đại học Thủ Dầu Một và đại học Bình Dương, 3 doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, 3 cán bộ hội tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh.

Chi hội đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều tấm gương nông dân với các nhà nghiên cứu, các thương nhân hoạt động trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Họ vừa hỗ trợ các tiến bộ kỹ thuật, giúp nhau nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tìm nơi tiêu thụ nông sản ổn định và tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội. 

Những nông dân ưu tú của nông nghiệp Bình Dương

Tại huyện Phú Giáo, bà Tăng Thị Hằng, đi lên từ nghề buôn ve chai, dép đứt. Nỗ lực làm giàu trên quê hương Bình Dương và sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp đã giúp bà vượt qua khó khăn.

Hiện nay, bà Hằng đang đang có 10ha đất. Trong đó, 7ha đất trồng cây cao su đang khai thác. Trên 3ha còn lại, bà phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp từ nuôi chim yến đến nuôi thỏ, cheo, dúi... theo hình thức hoang dã. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm bà thu hơn 6 tỷ đồng.

Với thành công của mình, bà Tăng Thị Hằng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc Việt Nam năm 2022.

Cũng tại Phú Giáo, ông Đinh Ngọc Khương được người dân ở xã An Bình gọi bằng cái tên trìu mến là “Khương gà”. Khác với những suy nghĩ ban đầu về những người ND lam lũ, ông Khương có phong cách của một doanh nhân thời đại ứng dụng kỹ thuật cao.  Để chủ động được đầu vào và hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, sau khi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, ông Khương quyết định đầu tư thêm trại sản xuất gà giống với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với quy trình khép kín, từ khâu nuôi gà lấy trứng, chọn trứng, ấp trứng và chăm sóc gà con.

Hiện nay, tổng đàn gà của ông Khương thông qua đầu mối là hơn 600.000 con, có đầu ra ổn định. Nhờ chủ động được con giống nên mô hình chăn nuôi gà của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, có sức lan tỏa trong và ngoài tỉnh. Tổng cộng các mô hình sản xuất đã mang lại cho gia đình doanh thu trên 90 tỷ đồng/năm với mức lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Với tầm nhìn của một người nông dân hiện đại thời công nghệ cao, ông Khương được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc Việt Nam năm 2021.

Anh Nguyễn Hồng Quyết ở ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo  sau một lần đi thăm Khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) đã bắt tay làm trang trại trồng dưa lưới công nghệ cao với diện tích ban đầu 0,3 ha. Sau đó, anh tiếp tục học tập và được các cấp Hội Nông dân đưa đi tập huấn về ứng dụng khoa học kỹ thuật, đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình về công nghệ, quy trình đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP. 

Hiện tại, anh xây dựng được 1 ha nhà màng canh tác và 6 ha trồng cây ăn trái tại Bình Dương và Đắk Lắk. Song song đó, anh liên kết với nông dân trên địa bàn xã An Bình, huyện Phú Giáo thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, khuyến khích bà con trồng dưa lưới theo mô hình của HTX và bao tiêu sản phẩm. Từ 7 xã viên, đến nay HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long có 73 xã viên, với diện tích canh tác đạt 20 ha. Không chỉ ở địa bàn Bình Dương, HTX còn liên kết với một sốnông dân ở các tỉnh khác như Bình Phước, An Giang, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hàng năm, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng nông nghiệp theo quy trình công nghệ cao, trồng cây ăn trái của anh đã mang lại nguồn doanh thu 3,7 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

V.v...V.v... 

Xét về quy mô theo lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của thành viên, Chi hội nông dân tỷ phú Bình Dương có tổng diện tích cây ăn trái có múi, cây ăn trái đặc sản trên 1.000ha; diện tích sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 50ha; tổng đàn chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 1 triệu con. Cùng với đó là các doanh nghiệp hỗ trợ, cung ứng dịch vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp như: phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp.

Không chỉ góp phần hỗ trợ nhau chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung cấp nhiều loại cây con giống mới, mua sắm trang thiết bị, nông cụ sản xuất, giới thiệu các địa chỉ tiêu thụ uy tín đồng thời nỗ tích cực vận động quyên góp, bảo trợ từ thiện xã hội, giúp cho nhiều hội viên nông dân khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, các thành viên trong chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương còn chú trọng các hoạt động xã hội, thúc đẩy người nông dân làm giàu chính đáng, nông thôn ngày càng văn minh hiện đại.

Ngô Huyền, và nhóm PV, BTV