- Chỉ còn hơn 1 tháng nữa chị và gia đình phải tạm xa con gái Trần Thị Diệu Liên đi học ĐH Harvard, nên chị Lộc luôn trong tâm trạng lo lắng.
Cuộc gặp gỡ với mẹ của nữ sinh trúng tuyển ĐH Harvard với học bổng 7 tỷ đồng diễn ra trong ngôi nhà giản dị "quá mức tưởng tượng".
Trần Thị Diệu Liên là cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Đầu tháng 4 vừa qua, em nhận tin trúng tuyển ĐH Harvard với mức học bổng hiếm có 302.920 USD, tương đương 7 tỷ đồng cho 4 năm học.
Bố mẹ của Trần Thị Diệu Liên |
Tìm đến nhà Diệu Liên, chúng tôi thoáng chút ngỡ ngàng khi trước mắt là một căn nhà cấp 4 đơn sơ, giản dị vỏn vẹn 17m2 ngay giữa lòng Sài Gòn.
Chị Nguyễn Thị Lộc (44 tuổi) - mẹ của Diệu Liên cho biết, ngày 14/8 này em sẽ lên đường sang Mỹ nhập học.
“Vợ chồng tôi chưa biết mua gì cho con. Thấy con giỏi vậy, tôi cũng gắng lo, nhưng không biết có lo nổi không. Nghĩ mà thương con quá!” - người mẹ nghẹn lời.
Chị Lộc nói mà như khóc: “Diệu Liên là đứa con gái rất quyết đoán. Khi đã quyết định làm điều gì đó thì con quyết làm cho bằng được. Những lúc vấp ngã, con cũng tự mình đứng dậy để đạt được ước nguyện của mình”.
Với Diệu Liên, Harvard trước đó là một ước mơ xa vời khi sinh ra trong một gia đình có gia cảnh quá đỗi bình thường với bố là thợ làm biển quảng cáo, mẹ là lao công ở một trường đại học.
Bức ảnh gia đình |
“Có lẽ nhiều người sẽ mặc cảm với bạn bè khi mẹ mình là một lao công, thế nhưng Diệu Liên lại không nghĩ như vậy. Con cho rằng công việc của mẹ đang làm hết sức trân quý, dù đồng tiện của mẹ kiếm được không nhiều nhưng đó là mồ hôi công sức, là việc làm ý nghĩa nên càng tiếp thêm động lực cho con” - chị Lộc xúc động tâm sự.
“Đời mình đã khổ rồi nên mình phải ráng làm, dành dụm tích cóp để cho con ăn học đến nơi đến chốn. Đến bây giờ, Liên không chỉ khiến tôi cảm thấy an lòng mà những việc con làm còn vượt xa mong đợi của gia đình. Nhìn con hôm nay, tôi mừng, nhưng cũng xót vì không mang lại cho con được cuộc sống sung túc như người ta” - người mẹ nói trong tự hào.
Chị Lộc trong căn bếp giản dị |
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa chị và gia đình phải tạm xa con gái, nên chị Lộc luôn trong tâm trạng lo lắng.
“Đêm nằm cùng con, tôi tâm sự với cháu rất nhiều. Tôi nói bố mẹ khổ như vậy, con phải ráng học để sau này có tấm bằng, có nghề, có nghiệp tự nuôi bản thân chứ ba mẹ không nghĩ sẽ nhờ con nuôi lại. Mẹ làm việc cực khổ như vậy cũng chỉ mong có chút đỉnh tiền lương hưu, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, miễn sao con thành tài là ba mẹ đã mừng rồi, không đòi hỏi gì hơn”.
Sỹ Thảo