Người phụ nữ sống tại thành phố Los Angeles (bang California, Mỹ) này có thể kiếm tới 80 USD (khoảng gần 2 triệu đồng) chỉ trong 1 giờ bằng việc… ôm ấp.
Với Chị Fei Wyatt (33 tuổi), công việc tại Cuddle Sanctuary (Thánh địa Ôm ấp) là một trong những việc tuyệt vời nhất mà chị có.
Tất cả những gì chị phải làm là ở bên cạnh khách hàng, tạo cho họ 1 không gian thoải mái, yên bình. Chị Fei cho biết, ngày càng có nhiều người có nhu cầu được “ôm”. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đáp ứng nhu cầu khá là… "cấp bách" này.
"Chuyên gia ôm" Fei Wyatt |
Được biết, chị có thể kiếm được 500 USD (hơn 11 triệu đồng) chỉ dưới 6 giờ “ôm ấp”. Mỗi tuần, chị Fei chỉ dành khoảng 10 tiếng đồng hồ để làm việc còn số thời gian còn lại là để tìm kiếm khách hàng mới, mở các khóa dạy học và chăm sóc trang blog Cuddle Sanctuary.
“Lý do duy nhất mà tôi không làm việc này sớm là bởi tôi không biết đến nó”, chị chia sẻ. “Công việc của tôi là ở bên cạnh, chấp nhận bản tính của chính khách hàng – 1 việc không phải ai cũng làm được. Tôi ở bên họ lúc họ mềm yếu nhất. Đó cũng là cái hay của việc này bởi lúc đó, các khách hàng của tôi được làm chính mình”.
Thế nhưng, điều bất ngờ nhất là không phải tất cả khách hàng của chị là người độc thân. Khác với những người chưa có gia đình tìm đến dịch vụ “ôm trị liệu” của chị để cảm thấy thoải mái tinh thần, giải tỏa bớt sự cô đơn, nhiều khách hàng khác cũng tìm đến Cuddle Sanctuary do thiếu thốn sự “ôm ấp” của người bạn đời.
Hiện tại, chị Fei Wyatt đang cố gắng thay đổi nhận thức của xã hội về nghề “chuyên gia ôm”, giúp mọi người hiểu được sự quan trọng của cái ôm với đời sống tinh thần của mỗi người.
“Việc này chẳng có gì kỳ lạ cả. Tất cả chúng ta, ai cũng muốn được ôm và thân mật với người khác. Không có gì phải xấu hổ vì nhu cầu đó”, chị khẳng định.
Các khách hàng của chị Fei luôn cảm thấy thoải mái và được làm chính mình khi được "ôm". |
Theo chị Fei, “chuyên gia ôm” không hề là 1 công việc dễ dàng như nhiều người nghĩ. Khác với 1 bác sĩ tâm lý, “chuyên gia ôm” cần phải đảm bảo các khách hàng tận hưởng giây phút ôm nhưng vẫn phải đặt giới hạn cho những “hành động” vượt quá mức cần thiết.
“Bác sĩ tâm lý chữa bệnh bằng lời nói. Tôi thì cung cấp cho khách hàng tình yêu vô điều kiện để đảm bảo rằng họ tận hưởng khoảnh khắc của mình. Hành động thường mạnh mẽ hơn lời nói nhiều”, chị Fei tự hào.
Một điều đặc biệt nữa về công việc này là các “chuyên gia ôm” đều phải là những người có đủ “kết nối” trong cuộc sống bởi những ai làm việc này vì cô đơn sẽ không thể duy trì được lâu.
(Theo Dân Việt)