Kết luận của Bộ Nội vụ hẳn mang ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó mang tính “chính danh” trước một việc làm đúng sai, hay dở của một tỉnh, hoặc răn đe, hoặc ngược lại, cho công tác nhân sự của cơ sở các địa phương, trong thời gian sắp tới, trước những thời điểm nhạy cảm.
Mấy tuần nay, báo chí nước nhà được một phen ồn ào bàn tán và cả… bối rối, khi hàng loạt tin tức về vụ việc bổ nhiệm nhân sự ở Quảng Nam làm người đọc báo không thể không băn khoăn: Chỗ nào cũng thấy thấp thoáng của cái mờ ảo, nhưng hết thảy, đều được các quan chức có trách nhiệm của tỉnh Quảng Nam công bô làm đúng… quy trình.
Trong rất nhiều bài báo viết về vụ việc ở Quảng Nam, người viết bài tâm đắc và chia sẻ với những bàn luận của bài báo Giám đốc siêu trẻ, cao ốc ‘vượt ngọn” và… đúng quy trình của tác giả Kỳ Duyên, đăng trên Tuần Việt Nam, VNN, 03.10.2015, đem đến cho người đọc một cách nhìn khác.
Bài báo đã đưa ra hình ảnh tương phản thật thú vị về cái xứ hay cãi được truyền tụng trong dân gian như một tổng kết về tính cách vùng miền, về sự thẳng thắn và hiệu quả của không ít lần cãi đúng. Thế nhưng, khi gặp phải sự cắc cớ của lỗi lầm, người xứ hay cãi cũng biết cách cãi để sai thành… sai tệ.
Ông Chủ tịch tỉnh Đinh Văn Thu và ông Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Hữu Sáng khẳng định rằng, việc bổ nhiệm đã trải qua, kinh qua những… 02 lần lấy ý kiến; rồi thì, mọi lần bỏ phiếu khác đều “chăm phần chăm”… chủ quan!
Ông Lê Phước Hoài Bảo (bên phải) tại một hội thao ngành KHĐT năm 2015. Ảnh: Sở Kế hoạch – Đầu tư Quảng Nam/ TNO |
Các vị lãnh đạo Quảng Nam được dư luận cho là bỏ qua tất cả mọi quy định của Bộ Nội vụ ví như muốn bổ nhiệm chức vụ GĐ phải là chuyên viên chính, phải kinh qua loại công việc cụ thể đó 05 năm – trong khi tân giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa được bổ nhiệm chưa phải là chuyên viên chính và thời gian “quản lý sở với cương vị Phó GĐ” mới chưa đầy 06 tháng? Chả thế dư luận XH cũng gọi hiện tượng của không ít các quan chức trẻ được bổ nhiệm rất nhanh vào các chức vụ quan trọng, mà các chức vụ đó đòi hỏi sự rèn luyện, cọ sát thực tiễn gần đây là… “thần đồng”.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ còn ủng hộ khi cho rằng có những trường hợp không phải cứ chờ ban hành chính sách rồi mới thực hiện? Rất có thể trong đời sống, có những khi công tác tổ chức cán bộ cần linh hoạt, hoặc vận dụng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc, nhưng liệu trong trường hợp nhân sự cụ thể ở Quảng Nam có phải vì nếu không có một người như ông Hoài Bảo, thì công việc của Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh này bị ngưng trệ, hoặc kém phát triển?
Cán bộ là yếu tố đầu tiên mang ý nghĩa quyết định cho sự phát triển hoặc ngược lại, là sự trì trệ của một ngành, một lĩnh vực, một cơ quan, công sở. Chủ tịch Hồ Chí minh từng có câu nói nổi tiếng về vấn đề này: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Chính vì cái gốc đó rất quan trọng mà công tác tổ chức ở ta phải đề ra những tiêu chí cụ thể, để người cán bộ phấn đấu, đáp ứng yêu cầu công việc. Sự “đi tắt, đón đầu” bằng cách này cách khác, vô tình có thể để lại những hậu quả tệ hại mà rút cục XH phải gánh.
Nhưng mặt khác, các điều kiện của cán bộ cũng cần được xác quyết bằng sự công minh, chính trực, không thể chỉ bằng một QĐ 42 của tỉnh Quảng Nam ra đời, rồi để cho một mình con ông cựu Bí thư Tỉnh ủy thực hiện. Điều đó vô tình khiến cho dư luận XH chẳng khó khăn gì nhìn nhận có sự thiếu chí công vô tư, “vì người mà đặt ra QĐ” ở đây. Tưởng minh bạch mà vẫn thiếu minh bạch, tưởng vô tư mà vẫn thiếu vô tư? Còn nếu không, QN phải chứng minh được có nhiều người trẻ của tỉnh con của người dân bình thường cũng đã được hưởng thụ từ chính sách đó?
Quả thật, cuộc sống vốn phức tạp, quanh co. Làm sao có thể chỉ mặt, đặt tên một cách rõ ràng, bởi có những việc “nói vậy, không phải vậy”? Người viết tự hỏi, ngoài Quảng Nam, còn có bao nhiêu vụ việc ở cơ sở “đúng quy trình” như vậy?
Bộ Nội vụ đã lập đoàn công tác để kiểm tra, thanh tra vụ việc này và kết luận là Quảng Nam bổ nhiệm đúng quy trình. Kết luận của Bộ Nội vụ hẳn mang ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó sẽ mang tính “chính danh” trước một việc làm đúng sai, hay dở của một tỉnh, hoặc răn đe, hoặc ngược lại, cho công tác nhân sự của cơ sở các địa phương trong thời gian sắp tới, trước những thời điểm nhạy cảm.
Dư luận XH bỗng nhớ tới một vụ án mà trước đó cũng được những người liên đới trách nhiệm cho rằng việc bổ nhiệm nhân sự rất “đúng quy trình”. Đó là vụ án Dương Chí Dũng. Dù “đúng quy trình”, rút cục, ông Dương Chí Dũng vẫn phải ngồi “đếm lịch”, và đối mặt với án tử hình, để lại cho nhiều người bài học nhớ đời về sự “đúng quy trình” một cách hình thức, xuất phát từ tâm lý lợi ích nhóm, nể nang nhau trong công tác nhân sự vốn phức tạp, và đòi hỏi sự công tâm.
Được biết, mới đây, sau thanh tra, kiểm tra, đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã có kết luận chính thức về vụ việc này: "Qua kiểm tra, chúng tôi thấy trường hợp này cũng như các trường hợp khác đều được tỉnh bổ nhiệm đúng quy trình, thủ tục, không có trái với chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Việc thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hai Quyết định 42 và 36 của UBND tỉnh là một giải pháp mạnh mang tính đột phá để thu hút, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao về làm việc ở địa bàn tỉnh, không cần đợi người ta đi học xong mới thu hút về”.
Tuy nhiên, xin đừng quên một điều, thực tiễn vẫn là thước đo chân lý.
Vụ việc ở QN liệu có giúp các địa phương điều gì không về bài học, cách làm công tác tổ chức cán bộ để tránh gây điều tiếng, mà vẫn bảo đảm “đúng quy trình”, như kết luận của đoàn công tác Bộ Nội vụ mới đây?
Hà Thịnh