Mục tiêu cải cách cơ bản thủ tục HC, nâng mức độ hài lòng của người dân, DN đạt mức trên 80%
Cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước đã được tỉnh Hậu Giang đưa thành chiến lược phát triển quan trọng của tỉnh. Những hoạt động cụ thể về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính đã được tỉnh thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.
Trong đó, cải cách thủ tục hành chính , áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, gắn với xây dựng chính quyền điện tử được xem là “chìa khóa” giúp tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện toàn tỉnh đã đạt 100% tỷ lệ thực hiện một cửa, một cửa liên thông. Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cải cách cơ bản thủ tục hành chính, nâng mức độ hài lòng của người dân và DN về thủ tục hành chính đạt mức trên 80%.
Hiện Hậu Giang đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2020 – 2025, trong đó nhiệm vụ thứ ba nêu rõ: “thực hiện , gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội”.
Các nghị quyết cao nhất trong lộ trình thực hiện mục tiêu nhiệm vụ trên đã được tỉnh Hậu Giang ban hành, như: Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 – 2025, với mục tiêu là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh.
Các chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PCI, PAPI và công bố kết quả đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính năm 2021 cho thấy: Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hậu Giang tăng 1 bậc so với năm 2020, theo đó Hậu Giang đạt 63,8 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành (xếp thứ 9/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh đạt 42,16 điểm, giảm 1,61 điểm và xếp thứ 33/63 tỉnh, thành giảm 06 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh tiếp tục có sự tiến bộ về điểm số và xếp hạng, đạt 86,77 điểm (tăng 2,26 điểm so với năm 2020) và xếp thứ 27/63 tỉnh, thành (tăng 1 bậc), xếp thứ 4/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tỉnh đạt 8,46 điểm (tương ứng 84,6%) tăng 0,35 điểm (tương ứng 3,56%) và xếp thứ 50/63 tỉnh, thành.
Về kết quả đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính cấp tỉnh và cấp huyện năm 2021: Có sự chuyển biến tích cực, thể hiện qua kết quả đối chiếu và kết quả sơ bộ điểm số tự chấm, cũng như việc cung cấp hồ sơ, văn bản phục vụ cho công tác đối chiếu; việc thực hiện nhiệm vụ được giao đạt kết quả rất tốt (đa số hoàn thành 100% nhiệm vụ); kết quả điều tra xã hội học phản ánh xác thực tiễn và khá tương đồng với kết quả khảo sát của Trung ương (chỉ số SIPAS); các sáng kiến, mô hình khá phù hợp với từng cơ quan, đơn vị qua đó đã phát huy được tính chủ động và hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện; chủ động tham mưu cho Thường trực UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, thường xuyên đôn đốc nhắc nhỡ đối với Tổ Chuyên viên tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ.
Chuẩn bị tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm về thực hiện các chỉ số cạnh tranh của tỉnh
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính, nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh- ông Đồng Văn Thanh, chỉ số SIPAS có tăng nhưng thực chất tỉnh vẫn nằm trong nhóm xếp hạng từ 50 - 52, có 4/5 tiêu chí bị giảm điểm và đều liên quan đến công tác tại bộ phận một cửa: tiếp cận thông tin, thái độ ứng xử, tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính; đối với đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính các sở, ngành và cấp huyện: vẫn còn một số đơn vị chưa nghiên cứu hết Bộ tiêu chí nên còn lúng túng trong việc thực hiện; một số tiêu chí đánh giá điểm đạt được gần như tuyệt đối, qua đó chưa thể hiện rõ kết quả đạt được; nhiều đơn vị cấp xã sử dụng chưa thường xuyên hoặc không sử dụng phần mềm quản lý văn bản, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng làm ảnh hưởng đến Chỉ số năng lực cạnh tranh, Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; chất lượng phục vụ hành chính tại cấp xã chưa được người dân đánh giá cao.
Cũng theo ông Đồng Văn Thanh, xếp loại công tác cải cách hành chính tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính như sau: chưa đạt một số chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao; sáng kiến trong công tác cải cách hành chính còn ít và tập trung chủ yếu trong công tác chỉ đạo điều hành; một số hạn chế tồn tại qua nhiều năm nhưng chưa được khắc phục như: tổ chức bộ máy, đào tạo, tài chính công; có nhiều chỉ số thành phần (thuộc chỉ số PCI) quan trọng giảm điểm như: tính năng động, thiết chế pháp lý, tính minh bạch;
Bởi vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã giao Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo và xây dựng kế hoạch khắc phục các hạn chế để trình UBND tỉnh ban hành trong tháng 7/2022; phải chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”; lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ; các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao để tổ chức thực hiện đạt 100% các chỉ tiêu theo các kế hoạch của tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhất là trong công tác giải quyết thủ tục hành chính; Khẩn trương phối hợp các cơ quan tham mưu rà soát, điều chỉnh bổ sung Bộ chỉ số chấm điểm cải cách hành chính của tỉnh, đảm bảo tính tương đồng các chỉ số canh tranh chung cả nước, để thực hiện đạt hiệu quả; trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi tìm kiếm các giải pháp về cải cách hành chính và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong tháng 6/2022; tham mưu, đề xuất trình Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm về thực hiện các chỉ số cạnh tranh của tỉnh.
Với sự nỗ lực vào cuộc của chính quyền các cấp, công cuộc chuyển đổi số nền hành chính trên cả nước nói chung và ở Hậu Giang nói riêng sẽ góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước, giúp chính quyền các cấp có đủ năng lực để vận hành nền kinh tế số, xã hội số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Cửu Long