Những ngày này, bà con dân tộc ở các huyện vùng cao Thanh Hóa như: Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa… đang tất bật lấy nước vào đồng ruộng để làm đất chuẩn bị cho đợt gieo cấy.
Những guồng nước, hay còn gọi là những “cỗ máy” khổng lồ được vận hành bằng cách lợi dụng sức chảy của dòng nước để quay tròn, lấy nước vào máng đưa lên cao, dẫn vào ruộng lúa.
Ông Hà Văn Mun (60 tuổi), trú bản Bách, xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn cho biết, người dân địa phương không biết rõ guồng nước có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, guồng nước này đã được cha ông sáng tạo ra, được các thế hệ gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay.
Guồng nước được làm hoàn toàn thủ công, tận dụng những vật liệu có sẵn từ tự nhiên của núi rừng như cây tre, cây vầu (hoặc cây đền), nứa.
Trục quay là yếu tố quyết định thành bại của guồng nước. Trục quay không chuẩn thì vòng quay sẽ bị kẹt và không thể lấy nước lên được. Do đó người dân sử dụng nguyên liệu làm trục phải chọn những cây gỗ thẳng, vừa nhẹ, vừa mềm lại không bị mài mòn và phải có khả năng chịu nước cao.
Khi guồng quay, ống đựng nước sẽ được nhấn sâu xuống suối để múc nước.
Guồng quay nâng ống nước lên cao, ống nước tự động đổ nước vào máng để đưa nước vào đồng ruộng.
Máng dùng để đưa nước vào đồng ruộng.
Sau khi có nước vào ruộng, người dân bắt đầu làm đất để chuẩn bị cho đợt gieo cấy.