Triển lãm Di sản và ký ức: Bức tranh từ những mảnh ghép vừa khai mạc cuối tháng 8 tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Trưng bày do bảo tàng và Hội Cổ vật TP.HCM phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023), hướng đến 15 năm ngày thành lập Hội Cổ vật TP.HCM.
Triển lãm có hơn 170 hiện vật, đến từ 27 nhà sưu tầm ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Các hiện vật này được chia thành hai nhóm chủ đề. Đó là Gốm Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn có niên đại trải dài từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 20 với nhiều loại đồ gia dụng, đồ thờ cúng, đồ trang trí, đồ dùng trong thưởng ngoạn (uống trà, uống rượu).
Ở thời Lý, gốm sứ được chế tác kỳ công, tinh xảo và dáng hình đẹp với các dòng chính như gốm men trắng, men ngọc, men xanh lục, men vàng, men nâu... Hoa văn trên gốm được thực hiện với ba loại kỹ thuật cơ bản là đắp nổi, khắc chìm và in khuôn.
Điểm đặc biệt của gốm thời Lý là có xương gốm mỏng, men mỏng, nung nhẹ lửa. Một số loại không trang trí hoa văn nhưng vẻ đẹp của nó được thể hiện tinh tế qua hình dáng, màu men.
Bước sang thời Trần (thế kỷ 13, 14), gốm sứ tiếp tục kế thừa phát triển gốm thời Lý về hình dáng, màu men và hoa văn trang trí. Nhà Trần đã tạo ra gốm hoa nâu và gốm hoa lam, được xem là dấu ấn nổi bật. Các họa tiết trang trí lúc này nổi bật có hoa sen, súng, cúc, thị, hình người, động vật...
Thời Lê (thế kỷ 15-18), đồ gốm được nhận xét có tính mỹ thuật cao với sự ra đời của gốm men hoa lam, gốm men đa sắc và men trắng văn in. Sản phẩm tiêu biểu thời này là gốm Chu Đậu thường dùng để xuất khẩu. Hoa văn trên gốm thường được vẽ bằng bút lông, một thủ pháp mới trong nghệ thuật trang trí. Các đề tài đa dạng như: động vật, thực vật, phong cảnh, hoa văn hình học, dân gian...
Trong đó, hiện vật thời Nguyễn phong phú như: nghiên mực, khay, hộp đựng sắc phong, trấn phong, lư trầm, con dấu... với chất liệu đá, gỗ, ngà, đồng. Đồ thờ cúng hay lư hương được trang trí hoa văn tỉ mỉ, không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng, văn hóa mà cả ý nghĩa lịch sử.
Gốm sứ Việt Nam đặt hàng Trung Quốc, Pháp sản xuất từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, gồm các loại chén, bát, đĩa, bộ đồ trà, bộ đĩa chén trà, thố, nậm… đa dạng về hoa văn, họa tiết trang trí với men ngọc và men xanh trắng.
Chia sẻ với VietNamNet, bà Nguyễn Khắc Xuân Thi – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho biết triển lãm có ý nghĩa đặc biệt với giới sưu tầm đồ cổ lẫn khán giả đến thưởng lãm. Các tác phẩm được trưng bày đa dạng, chứa đựng thông điệp từ quá khứ được lưu giữ trọn vẹn.
"Những hiện vật với nhiều mẫu mã, nguồn gốc xuất sứ khác nhau tạo nên bức tranh đa văn hóa, đa sắc màu. Người xem có thể tiếp cận với những giá trị truyền thống thông qua hiện vật cùng nhiều câu chuyện thú vị có liên quan", đại diện bảo tàng cho biết.
Các hiện vật thuộc sở hữu tư nhân, không chỉ ở TP.HCM mà còn đến từ các tỉnh thành khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Nam Định. Quá trình vận chuyển, công tác bảo quản và trưng bày đều phải đáp ứng các tiêu chí để đảm bảo cổ vật không bị hư hỏng, sứt mẻ.
Ông Lê Thanh Nghĩa - Chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM nhận định các vật phẩm đều đến từ các thành viên của hội từ khắp cả nước. Trong đó, mỗi hiện vật đều độc bản, giá trị cao về cả mỹ thuật, kỹ thuật, niên đại lẫn yếu tố thị trường.
"Anh em trong Hội háo hức được đưa đến công chúng các tác phẩm của mình. Tuy nhiên do không gian triển lãm có giới hạn nên chúng tôi cũng không thể trưng bày nhiều hơn. Tôi và Hội đang có kế hoạch sẽ tổ chức thêm các sự kiện tương tự trong thời gian tới", ông nói.