Hệ thống ma nhai (văn tự khắc trên vách đá) tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) vừa được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là di sản đầu tiên của TP Đà Nẵng được vinh danh ở tầm khu vực. 

Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, nội dung đa dạng, đủ các thể loại như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, với niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Trong ảnh là ma nhai tại động Hoa Nghiêm
Hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn tập trung chủ yếu tại ngọn Thủy Sơn và trên vách đá bên trong các động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham...
Bia ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng, nhiều kiểu chữ viết như: chân, hành, thảo, triện, lệ…
Các ma nhai trên lối vào động Tàng Chơn, Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Anh Cameron (áo trắng; du khách Úc) chia sẻ: "Danh thắng Ngũ Hành Sơn có cảnh quan rất hùng vĩ. Tôi đã bị cuốn hút bởi hệ thống hang động và núi đá hoang sơ tại đây. Ở các hang động còn có bút tích khắc trên đá rất độc đáo"
Ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết, tại danh thắng hiện nay có khoảng 90 ma nhai, mai nhai lâu nhất có niên đại khoảng 400 năm nằm ở động Hoa Nghiêm và Vân Thông
"Với việc bia ma nhai trở thành Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương chúng tôi kỳ vọng thời gian đến sẽ có nhiều hơn du khách đến tham quan danh thắng", ông Hiền nói

Danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn là nơi hội tụ nhiều giá trị di sản văn hóa nổi tiếng thu hút đông đảo du khách tham quan
Cùng với ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) cũng được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với việc có thêm 2 di sản, đến nay Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: T.L