Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay bảo tàng lưu giữ hơn 30.000 hiện vật cổ. Trong đó, đáng chú ý có chiếc chuông chùa Mèo (chùa Đỉnh Miêu), được xếp vào loại Đại Hồng chung (loại chuông lớn).
Chiếc chuông được đúc vào thời kỳ Lê Trung Hưng, năm Vĩnh Thịnh thứ XIV (1718).
Chiếc chuông này gắn với lịch sử của chùa Mèo ở xã Quang Hiến, nay là thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII (dưới thời Trần). Theo thời gian và chiến tranh, ngôi chùa bị tàn phá, chuông đồng cũng bị lưu lạc và được Công an huyện Lang Chánh thu giữ, bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa vào năm 1992.
Theo hồ sơ lưu giữ, chiếc chuông đồng hơn 300 năm này được đúc thủ công, có đường kính mặt 50cm, cao 109cm, chu vi 149cm. Chuông hình trụ, miệng loe, gần đỉnh chuông hơi thu lại, thân chuông chia làm 2 phần được ngăn cách nhau bằng 4 núm tròn nổi và một đường gờ nổi lớn.
Quai chuông là đôi rồng đấu lưng vào nhau tạo dáng cong tròn, đỉnh quai có hình nậm rượu, bầu rượu chia thành nhiều múi nổi dọc xuống thân…
Đặc biệt, trên phần thân chuông có bài kim văn bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi tiếng chuông và sự đóng góp của bà con ở nhiều bản của Thanh Hóa, tổ chức hưng công đúc quả chuông lớn ở chùa Mèo.
Ngoài chuông cổ, bảo tàng cũng đang lưu giữ 2 tượng vẹt cổ được làm bằng gỗ mít cách đây khoảng 400 năm (vào thế kỷ thứ 17, 18). Dù trải qua thời gian dài, tuy nhiên đến nay đôi tượng vẫn còn gần như nguyên vẹn, với các hoa văn hết sức tinh xảo.
Đôi tượng được sưu tầm tại Nghè Vẹt ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.