Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia là hiện vật gốc độc bản, niên đại thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII), có giá trị đặc biệt, là hình mẫu trong phong cách tạo tác tượng Phật thế kỷ XVII - XVIII. Bộ tượng này cùng với hai Bảo vật quốc gia là bia Thanh hư động và Côn Sơn tư phúc tự bi tại Khu di tích Côn Sơn là minh chứng xác thực và toàn vẹn trong hồ sơ gửi UNESCO đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.

tuongphat.jpg
Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn.

Theo văn bia và tư liệu lưu truyền tại Khu di tích, bộ Tam thế Phật chùa Côn Sơn là bộ tượng cổ nhất tại chùa, gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa và được thờ phụng từ thế kỷ XVII. Điểm độc đáo khiến cho những pho tượng này khác biệt với tất cả các bộ tượng Tam thế khác là những hiện vật gốc độc bản, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn từ thời Lê trung hưng đến nay.

Bộ tượng Tam thế Phật bao gồm ba vị: Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai, tên gọi đầy đủ là “Tam thế thường trụ diệu pháp thân”, có nghĩa là thời quá khứ, hiện tại, vị lai tồn tại vĩnh hằng không bị lệ thuộc vào hình, danh, sắc, tướng của thế giới hữu hình, không lệ thuộc vào không gian và thời gian.

Một ý nghĩa khác gắn với tên gọi của các vị Phật này là “Tam thế Tam thiên Phật” bao gồm “Quá khứ thế” có 1.000 vị Phật khác nhau đứng chủ; “Hiện tại thế” gồm 1.000 vị Phật khác và “Vị lai thế” cũng gồm 1.000 vị. Như vậy, tượng Tam thế tuy chỉ có ba pho nhưng lại tượng trưng cho 3.000 vị Phật ở ba đại kiếp (mỗi đại kiếp tương ứng 1,344 triệu năm), không nhằm chỉ đích danh một vị Phật nào.

Bộ tượng được tạo tác bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, trong tư thế ngồi thiền định trên tòa sen theo kiểu kiết già hàng ma. Bộ tượng này gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa, được tạo hình, sơn son thếp vàng nhiều lớp, mang các hoa văn trang trí tiêu biểu, không những kế thừa được nét tinh túy của nghệ thuật thời trước mà còn tôn vinh được vẻ đẹp lý tưởng của Phật pháp.

Tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn có hình thức độc đáo, đặc biệt là chiếc áo cà sa kiểu quấn mảnh vải từ vai trái vắt chéo xuống sườn phải để hở hẳn bờ vai, cánh tay và nửa ngực phải. Hiện tượng “trật vai phải” của những pho tượng này như để biểu thị sự tôn kính bề trên.