Cùng chiêm ngưỡng những tác phẩm tiêu biểu của các hoạ sĩ trong triển lãm "Tác phẩm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn 1986-2016".
Cùng với công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đến nay, trong 30 năm qua, nền mỹ thuật Việt Nam ngày càng thể hiện rõ sự phát triển đa dạng, tính độc đáo và bản sắc riêng. Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, sáng 23/11, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm: "Tác phẩm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn 1986-2016".
Nếu trước năm 1986, mỹ thuật Việt Nam chủ yếu sáng tác theo các khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, hiện thực lãng mạn, ấn tượng, thì sau năm 1986 đã xuất hiện nhiều trào lưu, khuynh hướng mới như: biểu hiện, đồng hiện, trừu tượng, siêu thực, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, video art…
Lớp nghệ sĩ thế hệ đàn anh, sau những thành công đã có, vẫn tiếp tục khẳng định được sức bền, độ nhạy bén trong sáng tạo nghệ thuật như: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trọng Hợp, Trần Đình Thọ, Hoàng Trầm, Lê Bá Đảng, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Đinh Trọng Khang, Nguyễn Thụ, Lê Ngọc Hân, Vũ Duy Nghĩa, Nguyễn Thị Kim Bạch, Cao Trọng Thiềm…
Sự mở cửa của đất nước hội nhập với thế giới đã tạo đà thúc đẩy cho mỹ thuật phát triển. Công cuộc đổi mới như một luồng sinh khí đã giúp nhiều nghệ sĩ tiếp nhận, đổi mới nhận thức, mở ra hướng đi giàu sức biểu cảm cho ngôn ngữ tạo hình, góp phần chuyển tải thành công những thông điệp của sự nghiệp cách mạng và đời sống xã hội. Chính những thành công của lớp nghệ sĩ này đã tạo nên sức sống mới cho mỹ thuật Việt Nam, với nhiều tên tuổi như: Đào Minh Tri, Tạ Quang Bạo, Ca Lê Thắng, Lê Quảng Hà, Đỗ Thị Ninh, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Lê Anh Vân, Nguyễn Tấn Cương, Nguyễn Nguyên Hà, Đặng Xuân Hòa, Vũ Đình Tuấn… và còn nhiều họa sĩ khác nữa mà không gian trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chưa thể giới thiệu hết với người yêu nghệ thuật được.
Triển lãm này, dù còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện nhưng hàm chứa nỗ lực và mong ước của những người làm bảo tàng, muốn giới thiệu tới công chúng những tác phẩm đánh dấu một giai đoạn phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu của nền mỹ thuật Việt Nam.
Một số tác phẩm trong triển lãm:
Ngày bình yên (Hoạ sĩ Trần Xuân Bình) Sưởi lửa (Hoạ sĩ Phạm Ngọc Sỹ) Phố gầm cầu (Hoạ sĩ Nguyễn Trường Linh) Quạt (Hoạ sĩ Nguyễn Vinh) Đông Hà 1972 (Hoạ sĩ Nguyễn Trần Đốc) Việc thường ngày ở bản (Hoạ sĩ Nguyễn Lương Tiểu Bạch) |
Cổng xưa (Hoạ sĩ Nguyễn Phúc Lợi) |
T.Lê